Sau sáp nhập, bảng giá đất của TPHCM sẽ ra sao?
Dù sáp nhập TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thành TPHCM mới nhưng từ ngày 1/7 đến 31/12 tiếp tục áp dụng bảng giá đất đã được ban hành tại từng địa phương trước khi sáp nhập.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký văn bản gửi các sở, ban ngành, Chi cục Thuế khu vực 2 (TPHCM), Chi cục Thuế khu vực 15 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chi cục Thuế khu vực 16 (Bình Dương), UBND 168 đơn vị hành chính cấp xã về việc áp dụng bảng giá đất từ ngày 1/7 đến 31/12 trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 1/7 đến 31/12 tiếp tục áp dụng bảng giá đất đã được ban hành tại từng địa phương trước khi sáp nhập. Cụ thể, bảng giá đất của TPHCM được ban hành theo quyết định 79/2024/QĐ-UBND ngày 21/10/2024, bảng giá đất tỉnh Bình Dương ban hành theo quyết định 63/2024/QĐ-UBND ngày 20/12/2024, bảng giá đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành theo quyết định 26/2024/QĐ-UBND ngày 19/9/2024.
UBND TPHCM giao Sở Nông nghiệp và Môi trường trình bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai và khoản 2 Điều 8 Nghị định 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất về việc áp dụng bảng giá đất từ ngày 1/7 đến 31/12 trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM năm 2025. Theo đó, TPHCM gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập từ ba đơn vị hành chính cấp tỉnh là TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ ngày 1/7 đến 31/12 tiếp tục áp dụng bảng giá đất đã được ban hành tại từng địa phương, gồm TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sáp nhập.
Sau khi sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới thì bảng giá đất ban hành theo Luật Đất đai 2013 vẫn sẽ tiếp tục sử dụng cho đến hết ngày 31/12. Mặt khác, bảng giá đất ban hành theo Luật Đất đai 2013 được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Do đó, bảng giá đất được xây dựng theo vị trí, khu vực, tuyến đường cụ thể có tên trong bảng giá đất của 3 tỉnh, thành trước khi sáp nhập sẽ áp dụng theo nguyên tắc tại vị trí, khu vực và tuyến đường cụ thể tại địa giới hành chính của ba tỉnh trước khi sáp nhập, tương ứng địa giới hành chính của 168 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, bảng giá đất ban hành theo Luật Đất đai 2013 của địa phương nào sẽ được tiếp tục áp dụng theo nguyên tắc vị trí, khu vực, tuyến đường cụ thể của địa phương đó.
Căn cứ khoản 7 Điều 22 Nghị định 151/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ trình UBND TPHCM ban hành bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật đất đai và khoản 2 Điều 8 Nghị định 151/2025 ngày 12/6 của Chính phủ.
Theo quyết định 79 quy định bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến 31/12 trên địa bàn TPHCM, bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM (cũ) tăng khoảng 4 - 38 lần so với giá được quy định tại quyết định 02/2020. Tuy nhiên, mức giá ở quyết định này đã giảm 20 - 25% so với dự thảo hồi tháng 7/2024.
Đáng chú ý, trong đó, giá đất cao nhất ở các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi tại quận 1, lên đến 687,2 triệu đồng/m2. Mức này đã được điều chỉnh giảm so với dự thảo lần trước là 810 triệu đồng/m2.
Tại tỉnh Bình Dương (cũ), theo bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/1 đến ngày 31/12, giá đất ở cao nhất là 53,16 triệu đồng/m2, áp dụng cho các khu đất ở mặt tiền các tuyến đường trung tâm như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương...
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), theo bảng giá đất áp dụng từ ngày 17/9/2024 đến ngày 31/12, giá đất ở cao nhất là 78 triệu đồng/m2, áp dụng cho các khu đất ở vị trí 1, thuộc các tuyến đường như Ba Cu, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám.