Sâu lắng tình cha qua những vần thơ

Trong đời sống gia đình, vai trò của người cha được ví như một trụ cột vững chãi nhưng trong văn học nghệ thuật, chủ đề về cha ít được thể hiện, nhất là khi đối sánh cùng hình ảnh người mẹ.

Điều này hoàn toàn không phải vì sự thiên vị trong tình cảm của những người con, mà nó phản ánh đúng phẩm chất tình cảm của người cha trong một gia đình: Độ lượng mà nghiêm khắc, bao dung nhưng cứng rắn, gửi gắm vào con nhiều khát vọng.

Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Ngay khi mở đầu bài “Thơ viết cho cha”, nhà thơ quá cố Đoàn Vị Thượng đã lý giải: “Không đếm hết những bài thơ tựa đề trân trọng mẹ/ Cha ơi cha! Thơ ngại nhắc cha mà/ Thơ dễ dãi làm thằng con thảo hiếu/ Lại tránh cái nhìn thấu hiểu của cha”. Nỗi đau của người cha cũng hiếm khi thể hiện bằng nước mắt, mà nó lặn vào trong, đau gấp hai lần nhưng khó ai nhìn thấy: “Cha chẳng là người rứt ruột sinh ta/ Nhưng chính bởi mẹ đau mà cha đau hơn mẹ/ Mẹ không khóc sao mắt cha ứa lệ?/ Ôi bao lâu cha mới khóc một lần”.

Nhưng kể cả bản thân người cha dường như cũng hiểu rất rõ tình cảm tưởng như thiên vị mẹ của những người con. Vì bên cạnh tình nhà, người cha còn nặng lòng vì nợ nước: “Chỉ riêng con còn thơ dại quá/ Có bao giờ con biết nhớ cha đâu/ Có bao giờ con biết nhớ cha đâu/ Nỗi nhớ ấy con dành về nơi mẹ/ Cha đi suốt một thời trai trẻ/ Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay” (Vương Trọng - “Nhớ con”).

Năm 2017, khi đại diện gia đình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật truy tặng cho cha mình là nhà văn nổi tiếng Hữu Mai, chị Trần Thu Nga cũng cảm nhận về sự âm thầm của người cha như thế: “Một đời Cha, chỉ biết đến hi sinh/ Đến cống hiến hết sức mình có thể/ Đến khi khuất rồi, vẫn còn lặng lẽ/ Từng nét chắt chiu, dành để đời sau” ("Cha tôi").

Là con một người cha nông dân, bản thân tôi cũng từng nhận ra rằng, cha sống lặng thầm như đất, giấu tình cảm của mình sau những rãnh cày thô: “Cha lặng thầm như đất/ Giấu màu mỡ bên trong/ Dạy con bằng ánh mắt/ Chứa bao niềm ước mong”. Và khi nghĩ về cha là nghĩ ngay đến những roi vọt (dù chỉ dọa nhịp roi trên đà cửa) những lần con trốn học, ham chơi: “Chiếc roi tre im lặng/ Nhịp trên đà cửa tre/ Mỗi lần con trốn học/ Rong chơi quên nẻo về” ("Cha").

Hình ảnh cha với mảnh áo nâu bạc màu nắng gió, gánh cho mẹ, cho con tất cả những việc nặng nhọc trên đồng đậm sâu trong trí nhớ của những đứa con: “Quanh năm một mảnh áo nâu/ Dầm mưa dãi nắng ngả màu bạc phơ/ Mảnh tát nước mảnh be bờ/ Chỗ sâu chỗ cạn đều chờ tay cha” (Ninh Đức Hậu - “Cha tôi”). Phải chăng vì vậy mà thơ viết về cha, tình cảm cũng thường lắng đọng ở bề sâu, như thể nén chặt trong lòng của những đứa con: “Con trở về tìm lưỡi cuốc của cha/ Bao năm tháng vẫn đợi người trở lại/ Giọt mồ hôi của những mùa gặt hái/ Cùng yêu thương sinh nở giữa đất này” (Nguyễn Việt Chiến - “Đất nước”).

Khác với những lời dịu ngọt, khuyên bảo nhẹ nhàng những việc cụ thể hằng ngày của mẹ; lời khuyên, cách dạy của cha thường nghiêm khắc hơn, luôn hướng đến những ước vọng lớn lao về tương lai, sự nghiệp: “Gần hai mươi năm trời/ Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng/ Dạy tôi/ làm thơ/ ước mơ/ hi vọng/ Những câu Kiều say sưa/ đưa cuộc đời bay bổng/.../ Năm tháng mài mòn/ bao nhiêu khát vọng/ Cha đã dạy con một bài học lớn/ Đau thương/ kiên quyết làm người” (Lê Đạt - “Cha tôi”). Có khi, cha còn gửi những mơ ước không thành của cuộc đời mình cho những đứa con, xem con chính là hình bóng của mình để nhắc nhở con những bài học khi đối mặt với sóng gió cuộc đời: “Con ơi/ Hình bóng của cha ơi/ Cõi sống bây giờ ít chân nhiều giả/ Hãy yêu thật nhưng cũng đừng quên xung quanh đầy gió trăng dối trá/ Trước khi “trèo lên cây bưởi hái hoa” (Nguyễn Ngọc Hưng - "Nụ biếc ca dao").

Cho nên nghĩ về cha, khi được thể hiện lòng mình, những đứa con thường tự cảm nhận mình có lỗi, chữ hiếu chưa tròn, vì cha hy sinh cho con cả một cuộc đời mà con thì ít thấu cảm hết tình cha: “Bát cơm không đầy chấm thìa muối mặn/ Chén canh rau cha nuôi nấng đời con/ Xin lỗi cha con chữ hiếu chưa tròn/ Chút tài mọn con chưa làm nên sự” (Huỳnh Minh Nhật - “Cha tôi”).

Nhớ về cha, các nhà thơ cũng thường ít cảm nhận ở bề nổi mà trong nỗi nhớ sâu, trong trầm lắng của chính lòng mình, cứ như mùi hương nhẹ mà thấm của những ngọn khói trầm trước giao thừa đón tết: “Hương trầm ai thả về trời/ Mùi thơm tết nhất nhớ người cha yêu/ Không cha, ngỡ tuổi ngả chiều/ Tuột dần về phía rất nhiều đào phai..." (Nguyễn Trọng Tạo - “Tết nhớ cha”).

So với mẹ, thơ về cha không nhiều, nhưng dường như, những bài thơ về cha luôn được viết lên từ nỗi niềm cô đúc nhất, sâu lắng nhất: “Mười năm trời, ngòi bút con, đúng vậy/ Viết về cha, là bị gãy giữa chừng/.../ Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời” (Nguyễn Thái Dương - “Bầu trời thơ, hạt bụi thơ”)...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-lang-tinh-cha-qua-nhung-van-tho-670861.html
Zalo