'Sắp xếp lại giang sơn' vì một Việt Nam đổi mới và phát triển bền vững

'Sắp xếp lại giang sơn' được xem là bước chuyển mình đầy quyết đoán, đòi hỏi sự dũng cảm để phá bỏ lối mòn cũ, vượt qua những rào cản về lợi ích và thói quen hành chính đã hình thành trong nhiều thập kỷ.

Sắp xếp lại giang sơn khởi đầu cho một giai đoạn quản trị mới hiện đại hơn, bền vững hơn. (Ảnh: Vương Lê)

Sắp xếp lại giang sơn khởi đầu cho một giai đoạn quản trị mới hiện đại hơn, bền vững hơn. (Ảnh: Vương Lê)

Ngày 1/7/2025, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây được xem là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự kiện không chỉ là dấu mốc chính trị quan trọng, mà còn là biểu tượng mạnh mẽ cho khát vọng đổi mới, khát vọng vươn lên của một Việt Nam đang trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho một quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ, hiện đại hơn và bền vững hơn, tái thiết lập nền tảng quản trị quốc gia để phù hợp với tương lai.

"Sắp xếp lại giang sơn" không phải là thu gọn, giảm số lượng địa phương, mà là bước chuyển mình chiến lược nhằm xây dựng nền quản trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đặc biệt là thích nghi tốt hơn với yêu cầu phát triển của thời đại mới.

Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, đòi hỏi mỗi quốc gia phải liên tục đổi mới và thích nghi, không thể phát triển bằng tư duy cũ, cách làm cũ. Vì vậy, việc "sắp xếp lại giang sơn" không đơn thuần là động thái cắt giảm bộ máy hay thay đổi địa giới hành chính. Đó là quyết định chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tái thiết lập nền tảng quản trị quốc gia theo hướng tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp hơn với yêu cầu phát triển mới.

Sự thay đổi này là kết quả của tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Nhưng sâu xa hơn, đó là biểu hiện sinh động cho tinh thần “vì dân”, để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, để quyền lợi của người dân được bảo đảm tốt hơn.

"Giang sơn được sắp xếp lại không phải để thu hẹp, mà để phát triển; không phải để dừng lại, mà để tăng tốc, vươn mình. Lần chuyển mình này với tầm vóc, quy mô và quyết tâm lớn chính là nền móng cho một Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững và trường tồn cùng thời đại".

Việc sáp nhập, tinh gọn các đơn vị hành chính sẽ giúp giảm bớt các tầng nấc trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và triển khai chính sách.

Như vậy, có thể nói, "sắp xếp lại giang sơn" là bước chuyển mình đầy quyết đoán, đòi hỏi sự dũng cảm để phá bỏ những lối mòn cũ, vượt qua những rào cản về lợi ích cục bộ và thói quen hành chính đã hình thành trong nhiều thập kỷ.

Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho một Việt Nam không ngừng tiến lên, một đất nước luôn chủ động trong quá trình hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững. Quyết định sáp nhập thể hiện tư duy đổi mới trong quản trị quốc gia, đặt lợi ích chung của đất nước lên hàng đầu, hướng tới những mục tiêu cao cả mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện: một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và vững mạnh. Quá trình này sẽ tạo ra những động lực mới, khai mở tiềm năng chưa được khai thác, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

"Trong một thế giới đầy biến động với cuộc cách mạng công nghiệp, những thách thức toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt, một bộ máy quản lý mạnh mẽ, hiện đại và tinh gọn là yếu tố then chốt để một quốc gia có thể thích nghi, phát triển và bứt phá".

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Quyết định 'sắp xếp lại giang sơn' là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân...".

Việt Nam đang không ngừng tiến lên và sự chuyển động của đất nước hôm nay là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Đằng sau những con số, những địa danh được sáp nhập là niềm tin vào một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn và bền vững hơn, nơi chính quyền thật sự gần dân, phục vụ dân; nơi mọi người dân đều được tạo điều kiện phát triển toàn diện.

Cuộc sắp xếp này không dễ dàng nhưng cần thiết. Đó cũng là lời khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cho một hành trình phát triển mới, với tinh thần hội nhập, đổi mới và khát vọng vươn xa.

Trong dòng chảy lịch sử, mỗi lần giang sơn được sắp xếp lại, không phải để thu hẹp, mà để phát triển; không phải để dừng lại, mà để tăng tốc, vươn mình. Lần chuyển mình này với tầm vóc, quy mô và quyết tâm lớn chính là nền móng cho một Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững và trường tồn cùng thời đại.

Kim Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sap-xep-lai-giang-son-vi-mot-viet-nam-doi-moi-va-phat-trien-ben-vung-319806.html
Zalo