Sáp nhập tỉnh, thành phố: Cú hích phát triển du lịch địa phương

Với ngành du lịch, sáp nhập tỉnh, thành phố được đánh giá là cú hích lớn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng tính liên kết vùng.

Du lịch Việt sẽ giới thiệu các tuyến tour liên kết hấp dẫn đến du khách trong và ngoài nước

Du lịch Việt sẽ giới thiệu các tuyến tour liên kết hấp dẫn đến du khách trong và ngoài nước

Động lực mới cho ngành du lịch

Ngày 12/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh.

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, nhận định: “Đây là cơ hội để các địa phương phát triển hài hòa, đầu tư và kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn. Đồng thời là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch”.

Theo ông, việc sáp nhập không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính mà còn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí và thủ tục khi triển khai sản phẩm du lịch liên tỉnh. “Trước đây, để vận hành tour xe buýt 2 tầng từ Đà Nẵng đến Hội An, chúng tôi phải xin phép từ nhiều địa phương với quy định khác nhau. Giờ quy trình thuận lợi hơn rất nhiều”, ông nói.

Các tour MICE kết hợp lưu trú trên tàu tại Vịnh Lan Hạ hay tour caravan xuyên tỉnh trước đây rất phức tạp về thủ tục. Việc sáp nhập giúp quy trình đơn giản hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự tin phát triển sản phẩm mới.

- Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt

Một hệ thống chính sách đồng bộ sau sáp nhập cũng được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ các rào cản pháp lý, mở đường cho mô hình du lịch mới như city tour bằng xe buýt 2 tầng, du lịch đêm hay trải nghiệm thông minh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, cho biết: “Các tour MICE kết hợp lưu trú trên tàu tại Vịnh Lan Hạ hay tour caravan xuyên tỉnh trước đây rất phức tạp về thủ tục. Việc sáp nhập giúp quy trình đơn giản hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự tin phát triển sản phẩm mới”.

Sau sáp nhập, tư duy thiết kế tour cũng thay đổi rõ rệt: từ “tour theo địa giới hành chính” sang “tour theo không gian du lịch và chủ đề trải nghiệm”. Việc rút ngắn quy trình giúp doanh nghiệp linh hoạt lên kế hoạch, thử nghiệm và triển khai sản phẩm mới, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch cần thích ứng nhanh để bắt kịp xu hướng thị trường.

Ở góc độ dịch vụ, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin BenThanh Tourist, nhấn mạnh: “Trước đây, mỗi địa phương một tiêu chuẩn khiến việc kiểm soát chất lượng tour liên vùng gặp khó khăn. Sáp nhập giúp đồng bộ quản lý, đảm bảo trải nghiệm du khách mượt mà hơn và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm”.

Cơ hội xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới

Kỳ vọng vào một “bản đồ du lịch mới” sau sáp nhập đang được doanh nghiệp hiện thực hóa bằng các chiến dịch cụ thể.

Du lịch Việt cho biết sẽ triển khai truyền thông với chủ đề “Khám phá những miền đất mới”, giới thiệu các tuyến tour liên kết hấp dẫn đến du khách trong và ngoài nước. Song song, đơn vị đang rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm, bổ sung điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú và làm mới trải nghiệm. “Ví dụ, thay vì các tour riêng lẻ, chúng tôi có thể triển khai sản phẩm như tour ‘Côn Sơn - Kiếp Bạc - Vịnh Lan Hạ - Cát Bà’, kết hợp du lịch tâm linh, lịch sử và biển đảo cao cấp. Hay tour ‘Đà Lạt - Mũi Né - Tà Đùng’ tạo thành tam giác vàng ‘cao nguyên - biển - hồ trên núi’, mang đến trải nghiệm đa dạng. Các tour cũ cũng sẽ được làm mới bằng cách mở rộng tuyến điểm và tăng giá trị trải nghiệm”, ông Phạm Anh Vũ chia sẻ.

Về phía Ảnh Việt, doanh nghiệp từng phối hợp với Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (nay thuộc TP.HCM) khảo sát tuyến xe buýt 2 tầng tại Vũng Tàu, nhưng bị đình lại do rào cản pháp lý. Luật Giao thông đường bộ yêu cầu xe buýt nội đô là xe điện, trong khi xe điện 2 tầng hiện chưa có sản phẩm trong nước và xe nhập khẩu thì chưa được cấp phép.

“Đây là bài toán công nghệ và pháp lý mà doanh nghiệp không thể giải quyết một mình. Chúng tôi mong có hướng dẫn cụ thể để nội địa hóa xe buýt điện 2 tầng tại nhiều địa phương hơn”, ông Nguyễn Khoa Luân kiến nghị.

Sau sáp nhập, Ảnh Việt dự kiến tái khởi động city tour tại Vũng Tàu và mở rộng mô hình Hop on - Hop off đến Đà Lạt, Bình Thuận - những nơi có hạ tầng và cảnh quan phù hợp với du lịch khám phá bằng xe buýt mở nóc, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sáp nhập hành chính chỉ là điều kiện cần. Để các khu vực sau sáp nhập thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, cần có chiến lược phát triển chung, tránh tình trạng “mỗi nơi một kiểu” hoặc duy trì tư duy “tỉnh mới - tỉnh cũ”.

“Cần gộp cả tư duy, quy hoạch và nguồn lực. Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, nếu kết nối khéo léo sẽ tạo nên hệ sinh thái du lịch vùng phong phú hơn,” bà Trần Phương Linh khuyến nghị.

Theo bà, nhiều tuyến liên tỉnh hiện còn kém chất lượng, thời gian di chuyển dài, không phù hợp để phát triển tour ngắn ngày hoặc cá nhân hóa. Vì vậy, để liên kết vùng hiệu quả sau sáp nhập, cần đầu tư đồng bộ vào hạ tầng, đặc biệt là giao thông và hệ sinh thái dịch vụ.

Hoài sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sap-nhap-tinh-thanh-pho-cu-hich-phat-trien-du-lich-dia-phuong-d318624.html
Zalo