Sáp nhập tỉnh, thành: Chiến lược tăng trưởng dựa trên lợi thế vùng
Một tuần đặc biệt khi Việt Nam bước vào giai đoạn cải cách hành chính sâu rộng nhất trong suốt nhiều thập niên qua. Việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là giải pháp tinh gọn bộ máy mà còn là chiến lược phát triển nhằm khai thác tối đa lợi thế vùng.

Sáp nhập tỉnh, thành là chiến lược tăng trưởng dựa trên lợi thế vùng. Ảnh: Lê Vũ
Chủ trương này mở ra kỳ vọng về những “siêu tỉnh” có quy mô kinh tế lớn, khả năng cạnh tranh cao và sức bật mới cho các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về cách thức phát huy hiệu quả các nguồn lực đặc thù của từng địa phương trong một cấu trúc phát triển thống nhất.
Thời điểm đầu tháng 7-2025 đánh dấu một bước chuyển lớn trong lịch sử hành chính Việt Nam khi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước được sáp nhập, giảm gần một nửa số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Động thái này không chỉ nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, tiết kiệm ngân sách mà còn hướng tới việc nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng sức cạnh tranh của các vùng trên bản đồ quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các tỉnh nhỏ lẻ, phát triển phân tán ngày càng bộc lộ hạn chế về quy mô, nguồn lực và khả năng thu hút đầu tư. Sáp nhập tỉnh, vì vậy, được kỳ vọng sẽ tạo ra những vùng kinh tế quy mô lớn, đủ sức phát triển các ngành mũi nhọn, hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp hiện đại và đóng vai trò đầu tàu liên kết vùng.
Bài toán phát triển kinh tế vùng sau sáp nhập
Việc sáp nhập tỉnh, thành tại Việt Nam là một chủ trương cải cách hành chính lớn, mang tính chiến lược, nhằm xây dựng nền tảng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản trị và tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội các địa phương cũng như cả quốc gia. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc cộng gộp diện tích, dân số, hay bộ máy hành chính, mà thực chất là sự tái cấu trúc không gian phát triển, tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả cộng hưởng giữa các vùng, các ngành. Dưới đây là ba logic cốt lõi thể hiện cơ sở lý luận của việc sáp nhập tỉnh, thành trên cơ sở tận dụng lợi thế hiện có của các tỉnh, thành được sáp nhập.

TPHCM sau sáp nhập được định hướng là ‘siêu đô thị quốc tế’ của Đông Nam Á. Ảnh: N.K
Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc cộng gộp diện tích, dân số, hay bộ máy hành chính, mà thực chất là sự tái cấu trúc không gian phát triển, tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả cộng hưởng giữa các vùng, các ngành.
Thứ nhất, sáp nhập tỉnh, thành tạo hiệu ứng chuỗi giá trị và cộng hưởng lợi thế ngành, thúc đẩy phát triển kinh tế vượt trội. Khi một tỉnh có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, công nghệ cao được hợp nhất với một tỉnh giàu tiềm năng về nguyên liệu, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ cung ứng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ và xuất khẩu. Sự kết nối này giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển mạnh các ngành phụ trợ, chế biến sâu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Ví dụ, khi Đồng Nai - trung tâm công nghiệp lớn, sáp nhập với Bình Phước - vùng nguyên liệu điều, cao su, hồ tiêu hàng đầu, sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu, hình thành các cụm ngành liên kết chặt chẽ. Đây là “phép nhân” về GDP, chứ không chỉ đơn thuần là phép cộng về diện tích, dân số.
Thứ hai, sáp nhập tỉnh, thành mở rộng không gian phát triển và đồng bộ hóa quy hoạch, tạo điều kiện cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm, đô thị hóa và hiện đại hóa hạ tầng. Khi địa giới hành chính được mở rộng, quy mô dân số và diện tích tăng lên, các địa phương sẽ có điều kiện xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, quy hoạch đồng bộ các ngành kinh tế, hạ tầng giao thông, logistics, đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao. Điều này khắc phục tình trạng phát triển manh mún, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh nhỏ lẻ, giảm đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ ba, sáp nhập tỉnh, thành tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng dịch vụ công. Việc hợp nhất các tỉnh, thành giúp phân bổ, điều tiết và bổ trợ nguồn lực tài chính, nhân lực, hạ tầng giữa các vùng phát triển khác nhau; đồng thời tinh giản bộ máy hành chính, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Hiện nay mỗi tỉnh là một bộ máy quyền lực, dẫn đến trùng lặp thủ tục, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, tạo ra cuộc đua thu hút đầu tư không lành mạnh. Khi sáp nhập, bộ máy hành chính sẽ gọn nhẹ hơn, giảm số lượng đầu mối, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng chi thường xuyên mỗi năm, nguồn lực này có thể chuyển sang đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, hạ tầng hiện đại, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.
Mô phỏng bài toán kinh tế sau sáp nhập
Khi các tỉnh, thành hợp nhất, bài toán đặt ra là làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng về quỹ đất, nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất và hạ tầng logistics, đồng thời khắc phục những hạn chế về quy mô, sự phân tán nguồn lực và hiệu quả đầu tư. Để thấy rõ hơn về những động lực tăng trưởng này, có thể nhìn vào bức tranh mô phỏng các tác động kinh tế cụ thể khi Đồng Nai và Bình Phước trở thành một thực thể thống nhất.

Sau khi sáp nhập, Đồng Nai và Bình Phước sẽ tận dụng tối đa lợi thế về quỹ đất sản xuất và công nghiệp. Hiện tại, Đồng Nai có hơn 30 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 10.000 héc ta, tỷ lệ lấp đầy đạt 85-90%, trong khi Bình Phước có hơn 10 khu công nghiệp với hơn 6.000 héc ta, nhưng tỷ lệ lấp đầy mới khoảng 60%. Khi hai tỉnh hợp nhất, tổng quỹ đất công nghiệp sẽ đạt khoảng 16.000 héc ta, trong đó riêng Bình Phước còn khoảng 4.000 héc ta đất công nghiệp chưa sử dụng. Việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng và kết nối đồng bộ sẽ giúp nhanh chóng lấp đầy diện tích này. Nếu chỉ tính suất đầu tư trung bình 7 triệu đô la Mỹ/héc ta, việc lấp đầy thêm 3.000 héc ta đất công nghiệp tại Bình Phước có thể thu hút khoảng 21 tỉ đô la Mỹ vốn FDI mới trong vòng năm năm.
Sự hợp nhất cũng tạo điều kiện hình thành chuỗi cung ứng khép kín và hệ thống logistics hiện đại. Bình Phước nổi bật về nguồn nguyên liệu thô như điều, cao su, hồ tiêu, trong khi Đồng Nai mạnh về công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Việc liên kết vùng sẽ giúp nguyên liệu từ Bình Phước được chế biến sâu tại các nhà máy hiện đại ở Đồng Nai, sau đó xuất khẩu qua các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải hoặc sân bay quốc tế Long Thành. Nhờ hạ tầng logistics liên thông, chi phí vận chuyển, lưu kho có thể giảm 10-15%, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 500-700 tỉ đồng mỗi năm.
Về thương mại biên giới, Bình Phước sở hữu cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ. Sau sáp nhập, với quy mô kinh tế lớn hơn, tỉnh mới có thể đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, kho bãi, trung tâm phân phối hàng hóa tại khu vực cửa khẩu.
Đồng thời, việc đa dạng hóa ngành nghề và phát triển các ngành mới cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Tận dụng nguồn nguyên liệu lớn của Bình Phước, các nhà máy chế biến tại Đồng Nai có thể mở rộng quy mô, nâng tỷ lệ chế biến sâu của ngành điều từ 40% lên 70%, qua đó tăng giá trị xuất khẩu thêm 300-400 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Cuối cùng, sáp nhập giúp tối ưu hóa nguồn lực quản lý và đầu tư công. Bộ máy hành chính tinh gọn hơn sẽ tiết kiệm được 800-1.000 tỉ đồng mỗi năm, nguồn lực này có thể chuyển sang đầu tư hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn.
Sáp nhập tỉnh, thành là một chủ trương lớn, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho từng địa phương và cho cả quốc gia. Nếu được triển khai một cách khoa học, minh bạch và có tầm nhìn dài hạn, quá trình này sẽ tạo ra động lực phát triển mới, giúp các tỉnh, thành tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị và dịch vụ công, đồng thời hình thành những trung tâm kinh tế - hành chính đủ mạnh để hội nhập sâu rộng và đóng góp tích cực cho tương lai thịnh vượng của đất nước. Điều quan trọng là, mỗi tỉnh, thành mới cần xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự cộng hưởng lợi thế, hài hòa lợi ích và sự đồng thuận của toàn xã hội, để sáp nhập thực sự trở thành bệ phóng cho tăng trưởng bền vững và hiện đại hóa quốc gia.
(*) CFA