Sắp có vaccine tiêu diệt được nhiều loại ung thư
Các nhà khoa học tại Đại học Florida đã phát minh loại vaccine mRNA mới giúp cơ thể phát hiện và tiêu diệt được tế bào của hầu hết loại ung thư.

Loại vaccine mở ra hy vọng mới trong việc điều trị ung thư. Ảnh: Freepik.
Tại Đại học Florida, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hướng đi mới đầy tiềm năng trong cuộc đua tìm ra vaccine điều trị ung thư. Ban đầu, họ không đặt mục tiêu tạo ra một loại vaccine phổ quát. Thứ mà họ thử nghiệm chỉ đơn giản là một loại vaccine mRNA không nhắm đến bất kỳ khối u cụ thể nào. Thế nhưng, chính điều đó đã mang lại kết quả bất ngờ.
Trong các mô hình thử nghiệm trên chuột, vaccine này không chỉ giúp làm chậm mà còn khiến nhiều khối u teo nhỏ hoặc biến mất hoàn toàn, đặc biệt khi được kết hợp với thuốc ức chế PD-1 - loại thuốc miễn dịch đã có mặt trên thị trường.
Vaccine mRNA nói trên được sản xuất bằng công nghệ tương tự như vaccine Covid-19. Tuy nhiên, thay vì đưa vào thông tin di truyền của virus, các nhà nghiên cứu chỉ sử dụng mRNA để kích thích hệ miễn dịch nói chung. Dù không nhắm trúng bất kỳ kháng nguyên cụ thể nào trên tế bào ung thư, chính phản ứng miễn dịch mạnh mẽ được khơi dậy từ loại vaccine này đã khiến cơ thể bắt đầu nhận diện và tấn công các tế bào bất thường.
Nhóm nghiên cứu cho biết vaccine đã khiến khối u biểu hiện PD-L1, đây là chỉ dấu khiến hệ miễn dịch dễ dàng phát hiện và xử lý chúng hơn. Ở những con chuột trước đó không có dấu hiệu phản ứng miễn dịch nào, sau khi tiêm vaccine, các tế bào T hoạt động mạnh mẽ và có khả năng tấn công khối u rõ rệt.
Nghiên cứu này được xem là bước tiếp nối từ thử nghiệm lâm sàng trước đó của nhóm, khi họ tạo ra vaccine mRNA cá nhân hóa dành cho bệnh nhân u não glioblastoma. Khi đó, họ mới chỉ thử nghiệm trên bốn bệnh nhân nhưng kết quả đã cho thấy tiềm năng rất lớn.
Nay, thay vì tạo vaccine riêng biệt cho từng người, họ tiến thêm một bước là phát triển một công thức có thể áp dụng cho nhiều loại ung thư, trên nhiều đối tượng khác nhau mà vẫn tạo ra hiệu quả.
Các nhà khoa học tin rằng loại vaccine này không chỉ giúp hỗ trợ điều trị mà còn có thể mở ra cơ hội ngăn ngừa ung thư trong tương lai. Bằng cách đánh thức lại “trí nhớ” của hệ miễn dịch và khiến nó cảnh giác hơn với sự hiện diện của tế bào lạ, vaccine có thể đóng vai trò như một công cụ phòng thủ từ sớm.
Nhóm nghiên cứu hiện tiếp tục hoàn thiện công thức và đặt mục tiêu triển khai thử nghiệm trên người trong thời gian tới. Nếu thành công, vaccine mRNA này sẽ không chỉ là một bước tiến công nghệ mà còn là một hy vọng thực sự trong việc phổ cập hóa điều trị ung thư bằng chính hệ miễn dịch của cơ thể.