Sắp bỏ thuế khoán: Cục Thuế đề xuất thay đổi lớn với hộ kinh doanh
Từ năm 2026, thuế khoán sẽ bị xóa bỏ, hộ kinh doanh được chia 4 nhóm theo doanh thu, áp dụng hóa đơn điện tử và quản lý thuế linh hoạt hơn.
Từ thuế khoán sang hóa đơn điện tử
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra chiều 2/7, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) đã thông tin về thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các các nhân và hộ kinh doanh.

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo ông Mai Sơn, ngày 26/6/2025, Cục Thuế đã đăng tải văn bản để lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có nội dung liên quan đến đề xuất liên quan đến công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026 nhằm thực hiện chủ trương của trung ương tại Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
“Việc bãi bỏ thuế khoán nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giảm chênh lệch giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công bằng với người làm công ăn lương. Thực tế, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hàng quán, chợ truyền thống có doanh thu dưới hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng chịu thuế, trong khi vẫn đóng thuế khoán cố định”, Phó Cục trưởng Cục Thuế nói.
Ngoài ra, ông Mai Sơn cho hay, để thay thế thuế khoán, Dự thảo Luật Quản lý thuế dự kiến chia hộ, cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm doanh thu, áp dụng phương pháp quản lý khác nhau. Đó là nhóm có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Nhóm có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm được khuyến khích và có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế hoặc máy tính tiền từ năm 2027-2028; chỉ cần sổ kế toán đơn giản.
“Hộ kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/năm; thương mại, dịch vụ từ 1-10 tỷ đồng/năm, bắt buộc dùng hóa đơn điện tử, kế toán đơn giản. Nhóm có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm thực hiện kế toán như doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt buộc hóa đơn điện tử”, ông Mai Sơn giải thích.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Thanh Tuấn
Cũng tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Thuế nói, Cục đang đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế từ 200 triệu lên ít nhất 400 triệu đồng/năm để phù hợp thực tế, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân cho từng nhóm.
Bên cạnh đó, ông Mai Sơn cho biết, Cục Thuế cũng sẽ tính toán để có sự liên thông giữa Thuế thu nhập cá nhân và việc quản lý thuế của các cá nhân kinh doanh. Có thể kể đến như việc Cục thuế sẽ xác định mức giảm trừ gia cảnh của các cá nhân làm công ăn lương theo tỷ suất lợi nhuận của từng ngành hàng để xác định doanh thu tối thiểu.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo này để khi quy định đi vào hoạt động sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cơ quan Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trong việc việc bỏ thuế khoán”, Phó Cục trưởng Cục Thuế nói thêm.
Giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh định kỳ
Thông tin tại họp báo về chính sách giảm trừ gia cảnh, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, mức giảm trừ hiện hành đã không còn theo kịp biến động giá cả và đời sống người dân. Vì vậy, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được xây dựng theo hướng cho phép Chính phủ được quyền điều chỉnh định kỳ mà không cần chờ trình Quốc hội, điều này giúp chính sách linh hoạt hơn, sát thực tiễn hơn.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo ông Trương Bá Tuấn, Bộ Tài chính đã tính đến khả năng bổ sung các khoản giảm trừ đặc biệt đối với chi phí y tế và giáo dục. Đây là 2 lĩnh vực ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực thành thị, do đó việc đưa vào diện được giảm trừ sẽ góp phần giảm gánh nặng thực tế cho người dân.
Với nhóm hộ và cá nhân kinh doanh, Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí cho hay, Bộ Tài chính đang đề xuất mô hình quản lý doanh thu theo hướng mở. Thay vì quy định cứng trong luật, sẽ có khung linh hoạt để điều chỉnh theo từng thời kỳ, giúp phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ số.
“Bộ Tài chính đang rà soát lại các khoản thu nhập được miễn thuế, nhằm phù hợp với mục tiêu thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao. Đối tượng hướng đến là chuyên gia công nghệ, nhà nghiên cứu khoa học và các ngành nghề sáng tạo, đúng theo định hướng được nêu trong Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”, ông Trương Bá Tuấn thông tin.
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.