Sản xuất nông nghiệp sạch không thể đi nhanh hay làm vội

Đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Tân (SN 1981), Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái, tỉnh Thái Nguyên. Với tinh thần bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, hành trình khởi nghiệp của chị Tân đã truyền cảm hứng cho nhiều người đang theo đuổi con đường làm nông nghiệp sạch.

 Chị Hoàng Thị Tâm và sản phẩm của mình

Chị Hoàng Thị Tâm và sản phẩm của mình

Chinh phục người tiêu dùng

Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hoàng Thị Tân đã phải đối diện với vô vàn trở ngại khi lựa chọn con đường sản xuất nông sản sạch. Trong một thị trường tràn ngập sản phẩm giá rẻ, việc xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng thật không đơn giản. Khó khăn lớn nhất mà chị và các cộng sự gặp phải chính là đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín, không phụ thuộc thời tiết, đảm bảo sản phẩm luôn tươi ngon, an toàn.

Để đạt được điều đó, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến liên tục nhằm tạo ra những sợi mì dai ngon, những lá chè đượm vị. Một rào cản khác là giá thành sản phẩm.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chất lượng nhưng giá bán lại cao hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại trên thị trường. Việc thuyết phục người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm thật sự không dễ dàng.

Chị Tân đã không quản ngại đến từng siêu thị, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm, kiên nhẫn gieo niềm tin từng chút một.

Chị Hoàng Thị Tân

Chị Hoàng Thị Tân

Một trong những bước ngoặt quan trọng để khẳng định thương hiệu Hợp tác xã Tâm Trà Thái chính là việc sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP, tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng. Điều này không chỉ khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, yên tâm khi sử dụng.

Chị Tân chia sẻ: "Khách hàng có thể mua hàng lần đầu bằng niềm tin nhưng họ sẽ quay lại lần hai, lần ba nhờ vào chất lượng". Triết lý kinh doanh ấy trở thành kim chỉ nam, giúp chị kiên trì, không chạy theo con đường dễ dàng hay lợi nhuận nhanh chóng. Chị Tân luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự học hỏi và kiến thức.

Trong kỷ nguyên số, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái hiểu rõ, những người dám thay đổi, không ngừng học hỏi sẽ có thể tồn tại và phát triển. Vì vậy, chị tích cực tham gia các lớp học về chuyển đổi số, marketing, bán hàng, tham gia hoạt động của các hiệp hội liên quan.

Mỗi khóa học, mỗi buổi chia sẻ chính là cơ hội để chị cập nhật xu hướng, mở rộng mạng lưới và học hỏi cách làm mới.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, chị Tân cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, đặc biệt là các cấp Hội LHPN. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức, chị có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ, hội nghị trong nước và quốc tế.

Chị Hoàng Thị Tân (giữa) giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái tại một hoạt động xúc tiến thương mại

Chị Hoàng Thị Tân (giữa) giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái tại một hoạt động xúc tiến thương mại

Đây cũng là một trong những kênh đưa sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái ngày càng vươn xa.

Kinh nghiệm đi đường dài với nông nghiệp sạch

Chị Hoàng Thị Tân chia sẻ: "Với tôi, sản phẩm thật, chất lượng thật, giá thật sẽ chinh phục được người tiêu dùng. Sản xuất nông nghiệp sạch không thể đi nhanh hay làm vội mà cần một nền tảng vững chắc, một tầm nhìn dài hạn và quan trọng hơn cả là chữ "tâm" trong từng sản phẩm".

Giữ chữ "tâm" trong kinh doanh là một trong những giá trị cốt lõi được chị theo đuổi. Đó là sự tận tâm vì chất lượng, sự chân thành với người tiêu dùng và sự kiên định trong từng bước đi. Chính điều này đã giúp sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái dần chiếm được lòng tin của khách hàng, khẳng định vị thế trên thị trường.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch cần xác định rõ: Khách hàng của mình là ai? Chất lượng sản phẩm ra sao? Bán ở đâu? Bán như thế nào?”.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, chị Hoàng Thị Tân cho rằng, trước tiên cần xác định rõ sản phẩm cốt lõi và điểm khác biệt. Trong bối cảnh thị trường có vô vàn lựa chọn, chỉ khi sản phẩm thật sự có "chất" và khác biệt thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại lâu dài.

Chị Hoàng Thị Tân (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm tại một hoạt động dành cho phụ nữ khởi nghiệp

Chị Hoàng Thị Tân (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm tại một hoạt động dành cho phụ nữ khởi nghiệp

Bên cạnh đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Người làm phải ý thức rằng, nông nghiệp sạch không thể chạy theo xu hướng nhất thời hay chiêu trò marketing ồn ào mà phải tập trung vào chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ đúng cam kết với người tiêu dùng.

Mỗi vụ mùa, mỗi công đoạn sản xuất đều đòi hỏi sự cẩn thận, tâm huyết và thời gian dài để xây dựng niềm tin.

Một bài học quan trọng khác mà chị Tân rút ra từ hành trình khởi nghiệp của mình chính là việc chủ động học hỏi. Trong thời đại chuyển đổi số, người khởi nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức về marketing online, thương mại điện tử, các phương pháp quản lý hiện đại để bắt kịp xu thế và mở rộng thị trường.

Sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái

Sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái

Dù khởi đầu với nền tảng kiến thức kinh doanh không nhiều nhưng nếu học hỏi không ngừng, dám làm, dám thay đổi thì thành công sẽ mỉm cười với mình.

Dự án khởi nghiệp của chị Hoàng Thị Tân (SN 1981), Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái, đã đạt giải Nhì Chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Bạn đọc quan tâm sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái có thể liên hệ với chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái; địa chỉ: Phường Phan Đình Phùng, Thái Nguyên; Điện thoại: 0915251050

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/san-xuat-nong-nghiep-sach-khong-the-di-nhanh-hay-lam-voi-20250710133503026.htm
Zalo