Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc bảo vệ môi trường (BVMT) được chính quyền các địa phương chú trọng. Sau triển khai, ý thức người dân chuyển biến rõ rệt, chấp hành tốt Luật BVMT, vận động mọi người tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Thay đổi tập quán canh tác
Chi hội trưởng Chi hội Nông dân (ND) ấp Bình Trung 1, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An - Mai Thị Kim Phượng là người tiên phong áp dụng mô hình nông nghiệp sạch với phân bón hữu cơ, vừa nâng cao năng suất cây trồng, vừa bảo vệ môi trường. Với vườn bưởi 0,4ha, bà thu hoạch 6-7 tấn trái mỗi năm, có nguồn thu nhập ổn định. Mô hình trồng bưởi của bà không chỉ cho năng suất cao mà còn góp phần phát triển nông nghiệp xanh.
Trái ngược với sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, bà Kim Phượng bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất VietGAP từ 3 năm nay, một phương pháp khép kín với tiêu chuẩn chất lượng cao, giảm tối đa hóa chất và thuốc trừ sâu. Vườn bưởi của bà được đầu tư bài bản với hệ thống tưới tự động và hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ. Phương pháp này không chỉ cải tạo đất, tăng độ màu mỡ mà còn giảm thiểu tác động của hóa chất đến môi trường. Việc dùng chế phẩm sinh học và thuốc trừ sâu sinh học giúp bảo vệ sức khỏe người lao động và không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Nhờ đó, vườn bưởi ít khi bị sâu, bệnh và không có mùi hóa chất, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Bà Phượng chia sẻ: “Vườn bưởi của gia đình được trồng theo quy trình VietGAP cách nay gần 3 năm nay. Không chỉ cây trồng khỏe mạnh hơn mà chất lượng trái bưởi cũng cải thiện rất nhiều. Trước đây, tôi chỉ sử dụng phân bón hóa học, cây bưởi có thể sung mãn nhưng lại dễ nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến đất đai. Khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, vườn bưởi thay đổi rõ rệt, trái thơm ngon hơn, đất đai cũng giữ được độ phì nhiêu lâu dài”.
Nhờ những cải tiến trong canh tác, vườn bưởi mang lại lợi nhuận cao cho bà Phượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Chủ tịch Hội ND xã Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Hội đang đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh kết hợp BVMT và các mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng. Những mô hình này không chỉ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững mà còn góp phần BVMT. Hội hỗ trợ 10 hộ đăng ký quy trình VietGAP, hy vọng các mô hình ngày càng được nhân rộng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và góp phần BVMT xung quanh”.
Vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn
Hội ND xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) xây dựng Kế hoạch số 25, ngày 19/4/2024 phát động cho các chi hội ND đăng ký mô hình Vườn xanh - Ruộng sạch - Sản xuất an toàn năm 2024.
Theo Chủ tịch Hội ND xã Thuận Mỹ - Lê Trí, Hội triển khai 1 cuộc, có 9 chi hội đăng ký và phát động cho hội viên (HV) ND hưởng ứng tham gia. Hội chọn ấp Bình Thạnh 3 để thực hiện mô hình điểm với 3 hộ dân tham gia. Toàn xã có 80 hộ HVND ký kết chấp hành BVMT nông thôn, tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hội còn thường xuyên tuyên truyền cho HVND những tác hại do ô nhiễm thuốc BVTV gây ra trong sản xuất, khuyến cáo ND sử dụng thuốc sinh học không gây ô nhiễm môi trường. Kết quả, Hội đã tuyên truyền được 24 cuộc, có 783 cán bộ, HVND tham dự.
Trước đây, các hộ chăn nuôi thường xả nước thải xuống kênh, mương làm ảnh hưởng nguồn nước, vứt lọ, chai, bao nylon, thuốc BVTV không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng môi trường. Qua tuyên truyền, vận động, các hộ ý thức thực hiện mô hình, kết quả có 208 hộ HV đăng ký cam kết.
Đối với Vườn xanh, có 80 hộ HVND dọn dẹp cây tạp và cỏ dại mọc xung quanh nhà, xung quanh nhà có trồng rau xanh, cây ăn trái, hoa kiểng và cây cảnh, tạo cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ. Đa số HVND thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và chăn nuôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; không vứt rác, xả thải ra môi trường. Trong sản xuất, ND sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh, các chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Hội ND xã tổ chức tập huấn “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” năm 2024 cho 9 chi hội, có 87 HV tham dự; phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cấp 75 thùng chứa rác hữu cơ cho 25 hộ gia đình (từ năm 2021 đến nay);...
Đối với Ruộng sạch, Hội thực hiện mô hình cánh đồng sạch, bờ hoa; không có cỏ dại, không có rác thải bao bì thuốc BVTV;... Hội vận động HVND giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học và các chế phẩm vi sinh,...
Hội cũng vận động ND sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước trong sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác và các sản phẩm thân thiện với môi trường,...
Trong Sản xuất an toàn, Hội vận động ND áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, không sử dụng chất cấm, hóa chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi (không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng; xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và thủy sản; không đốt đồng;...). Hội còn vận động ND sản xuất thanh long theo hướng sạch và an toàn, có 69 hộ tham gia.
Bên cạnh đó, các hộ sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn và đúng cách (4 đúng, an toàn đối với người sản xuất và người tiêu dùng khi sử dụng, không sử dụng các loại thuốc BVTV bị cấm). Kết quả, có 69 hộ thực hiện, đạt 86,25% số hộ HVND.
Ông Nguyễn Hoàng Boul (ấp Bình Khương) chia sẻ: “Trong sản xuất nông nghiệp, tôi luôn ý thức BVMT xanh, sạch, an toàn. Ngoài ra, tôi còn vận động người thân và các hộ ND khác cùng tham gia”.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT ngày càng phát triển và trở thành xu hướng chính trong ngành Nông nghiệp hiện nay. Nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, ND không chỉ cải thiện hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống./.