Sách kể chuyện tuyệt chủng của bò biển Steller ra mắt tại Việt Nam

Tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú đã tuyệt chủng hoàn toàn.

Chiều 19-7, cuốn tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng của nữ nhà văn Phần Lan lida Turpeinen đã chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.

Sự kiện do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và tổ chức The Initiative of Children's Book Creative Content (ICBC) thực hiện, trong khuôn khổ Tuần lễ Văn học Phần Lan.

 Tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú đã tuyệt chủng hoàn toàn.

Tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú đã tuyệt chủng hoàn toàn.

Tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú từng sống ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Năm 1741, nhà tự nhiên học Georg Wilhelm Steller đã phát hiện và có những mô tả chi tiết đầu tiên về loài sinh vật này.

Loài bò biển hiền lành nhanh chóng trở thành nạn nhân của các đoàn săn bắt sau khi bị con người phát hiện. Trong vòng chưa đầy 30 năm, chúng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn.

Có mặt tại sự kiện, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, bày tỏ mình rất vui mừng được mời quý vị cùng khám phá thế giới phong phú, và giàu trí tượng tưởng của văn học Phần Lan đương đại thông qua cuốn tiểu thuyết.

Theo ông, tác phẩm cấu trúc theo hướng chương hồi và việc tác giả lựa chọn góc nhìn nữ giới trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử cũng là các yếu tố nổi bật khác ở trong tác phẩm.

 Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cũng khẳng định tác phẩm được xem là tấm gương phản chiếu mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Dịch giả Võ Xuân Quế, người chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt, cũng cho rằng thành công lớn của Nàng tiên cá cuối cùng nằm ở khả năng dung hòa giữa văn chương và khoa học.

Việc chuyển hóa một luận án tiến sĩ thành một tác phẩm văn học cuốn hút thể hiện không chỉ sự am hiểu sâu sắc mà còn là năng lực sáng tạo của tác giả.

Trong khi đó, nhà văn Di Li bày tỏ: “Tôi thực sự xúc động trước hành trình của nhà khoa học Steller và cảm thấy ngưỡng mộ niềm say mê khoa học cũng như văn học trong từng trang viết của tác giả.

Tôi khâm phục cách chị đưa những kiến thức khoa học vào tác phẩm mà không hề khô cứng. Chỉ với loài bò biển, chị đã kể được một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn”.

Nàng tiên cá cuối cùng của Iida Turpeinen mang âm hưởng của một bản giao hưởng bi tráng về sự mất mát và những thay đổi trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên.

 PGS.TS Nguyễn Thành Nam, nhà văn Di Li giao lưu với độc giả. Ảnh: VIẾT THỊNH.

PGS.TS Nguyễn Thành Nam, nhà văn Di Li giao lưu với độc giả. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài tài tình giữa các yếu tố khoa học và văn chương, tạo nên một không khí day dứt, đầy chiêm nghiệm xuyên suốt tác phẩm.

Tiểu thuyết là một tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên và những di sản mà chúng ta để lại.

Dưới ngòi bút của Iida Turpeinen, lịch sử không chỉ là những sự kiện vĩ đại mà còn là tổng hòa của những câu chuyện cá nhân, những cuộc đời đã góp phần định hình thế giới của chúng ta.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/sach-ke-chuyen-tuyet-chung-cua-bo-bien-steller-ra-mat-tai-viet-nam-post861257.html
Zalo