Rủi ro thanh toán trong xuất khẩu: Những nguy cơ mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, xuất khẩu là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính và pháp lý đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Từ các khoản phải thu không thu hồi được, thanh toán chậm, đến nguy cơ mất trắng do phá sản của đối tác, những rủi ro này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền và sự phát triển bền vững của DN.

Thương mại xuất khẩu là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ này, các DN xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là rủi ro tài chính liên quan đến các khoản phải thu.

Các khoản phải thu là tiền mà DN chưa nhận được từ khách hàng sau khi đã giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Đây là một phần thiết yếu trong hoạt động của các DN xuất khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền và sự phát triển bền vững của DN.

Rủi ro tín dụng xảy ra khi bên mua không thanh toán đúng hạn hoặc không thanh toán toàn bộ số tiền đã cam kết trong hợp đồng. Đây là loại rủi ro phổ biến mà DN xuất khẩu phải đối mặt. Rủi ro này có thể phát sinh từ khả năng tài chính yếu kém của khách hàng, hoặc do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, biến động tỷ giá, hay thậm chí là sự thay đổi trong các chính sách của quốc gia đối tác.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, từ tháng 6/2023, một số DN Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai đã gặp khó khăn về thanh toán, và có dấu hiệu bị người mua lừa đảo. Các giao dịch xuất hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một bên mua (Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), dẫn đến các lô hàng của các công ty bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE. Phương thức thanh toán trong hợp đồng là “nhờ thu kèm chứng từ”. Giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua - nơi các DN này gửi bộ chứng từ nhờ thu. Điều này cho thấy có dấu hiệu thông đồng giữa ngân hàng và bên mua. Do đó, bên mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các DN phía Việt Nam.

Bên cạnh rủi ro tín dụng, các DN xuất khẩu còn phải đối mặt với rủi ro chậm thanh toán. Đây là vấn đề thường gặp đối với DN xuất khẩu, đặc biệt trong các giao dịch với khách hàng quốc tế. Do khoảng cách địa lý, khác biệt về múi giờ, cũng như các yếu tố ảnh hưởng từ quy định pháp lý và điều kiện kinh doanh tại từng quốc gia, khách hàng đôi khi trì hoãn hoặc kéo dài thời gian thanh toán.

Chủ một DN làm hàng mây tre đan xuất khẩu ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) kể, đầu năm nay, DN xuất một đơn hàng trị giá 30 nghìn USD cho khách hàng quen ở Hàn Quốc. Hàng sang đến nơi nhưng khách cứ dây dưa không chịu thanh toán. Hơn 5 tháng qua, mỗi khi đòi tiền, DN đều nhận được trả lời: hàng bán không được, lại đang gặp khó khăn về tài chính nên sẽ thanh toán chậm. Chậm đến bao lâu DN cũng không được xác định. “Làm ăn với nhau cũng mấy năm nay rồi, thấy họ thanh toán tiền đàng hoàng, không khi nào bị trễ cả, nên tôi cũng không biết họ khó thật hay khó giả và liệu có trả tiền hay không”, chủ DN này nói.

Việc chậm thanh toán khiến DN gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác lâu dài với khách hàng. Đây là vấn đề phổ biến trong các giao dịch quốc tế và cần phải được quản lý chặt chẽ.

Không chỉ vậy, DN xuất khẩu còn gặp các rủi ro pháp lý khi gặp phải tranh chấp với khách hàng về các điều khoản hợp đồng, quyền lợi hoặc nghĩa vụ tài chính. Điều này có thể dẫn đến việc không thu hồi được các khoản phải thu hoặc thậm chí mất toàn bộ số tiền đã giao dịch.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu rõ: "Người xưa đã có câu: ‘Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng’. Trong kinh doanh, chỉ khi hiểu được chính mình muốn gì và nắm bắt đầy đủ thông tin của đối tác, DN mới có thể đưa ra những quyết định kinh doanh khôn ngoan mang lại lợi nhuận lớn, hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại và rủi ro".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có không ít DN vẫn quá tin tưởng vào những công ty trung gian môi giới và bỏ qua khâu kiểm tra đối tác mà không biết rõ khả năng tài chính hay năng lực pháp lý của đối tác đó.

Các DN xuất khẩu cần phải hiểu rõ hệ thống pháp lý tại các thị trường quốc tế mà họ giao dịch để tránh tranh chấp về các điều khoản hợp đồng. Việc thiếu sự hiểu biết về các yếu tố này có thể dẫn đến mất mát tài chính và thiệt hại về uy tín.

Ngoài ra, còn có tình trạng DN xuất khẩu không thể thu hồi được các khoản phải thu từ đối tác do đối tác phá sản hoặc ngừng hoạt động. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất và khó lường nhất trong giao dịch quốc tế, đặc biệt khi DN không có thông tin đầy đủ về tình hình tài chính của đối tác.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay, mới đây, một nhãn hàng của Mỹ phá sản, khiến 38 DN Việt Nam mất lượng tiền lớn và không lấy lại được. “Đạo luật phá sản của Mỹ rất rõ ràng, khi phá sản, đầu tiên phải đóng thuế đủ, hai là trả ngân hàng, ba là trả quyền lợi người lao động, bốn là mới trả cho khách hàng”, ông Giang nói.

Các khoản phải thu là một phần quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam. Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến các khoản phải thu lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến dòng tiền và sự phát triển bền vững của DN. Các rủi ro tín dụng, chậm thanh toán, pháp lý và phá sản đều có thể dẫn đến những thiệt hại lớn nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời.

Thanh Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/rui-ro-thanh-toan-trong-xuat-khau-nhung-nguy-co-ma-doanh-nghiep-viet-nam-phai-doi-mat-315111.html
Zalo