Rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp khi lãi suất tăng trở lại

Xu hướng lãi suất đảo chiều sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay. Đồng thời, áp lực trả nợ cao trong 2 quý cuối năm nay rất lớn.

FiinRatings vừa công bố báo cáo tình hình trái phiếu doanh nghiệp, nhấn mạnh trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

Dù vậy, thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi. "Bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn", FiinRatings chỉ rõ.

Doanh nghiệp phát hành các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi.

Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi.

Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi.

Với xu hướng lãi suất đảo chiều, theo FiinRatings, cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay.

Song ở chiều ngược lại, FiinRatings cũng cho rằng đây sẽ là yếu tố thúc đẩy để doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cố định nhằm tận dụng môi trường lãi suất thấp cũng như giảm rủi ro lãi suất.

Ngoài lãi suất, rủi ro mất giá Việt Nam đồng (VND) cũng là một trong những vấn đề được tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đề cập khi nhắc tới triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo FiinRatings, tỉ giá tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 và áp lực giảm giá VND vẫn còn lớn trước thực tế bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

"Môi trường lãi suất quốc tế chưa thể giảm nhanh và mạnh dẫn đến sự kém hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư gián tiếp và trạng thái tài khoản vốn của Việt Nam", FiinRatings chỉ ra.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù họ đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với loại hình đầu tư cố định này. Vì vậy, tình trạng tỷ giá neo cao làm cho các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn hơn so với thực tế, đồng thời tạo ra rào cản làm chậm tiến trình gia nhập thị trường của các chủ thể nước ngoài.

Tuy nhiên, FiinRatings kỳ vọng việc kiểm soát thị trường vàng và các biện pháp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng sẽ góp phần ổn định tỉ giá trong thời gian tới.

Theo dữ liệu được FiinRatings tổng hợp, thị trường sơ cấp trong tháng 5/2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, trong khi nhóm bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước. Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước quy định, cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.

Nhóm trái phiếu ngân hàng có tỷ suất lợi tức dao động từ 5 - 9%, trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng có tỷ suất lợi tức từ 7 - 13%. Trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước kia và FiinRatings dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.

Dữ liệu cũng cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục ở mức cao vào quý III và quý IV/2024, với ngành bất động sản chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải xin giãn hoãn thanh toán nợ và điều chỉnh kế hoạch mua lại.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/rui-ro-cho-trai-phieu-doanh-nghiep-khi-lai-suat-tang-tro-lai-1100609.html
Zalo