Robot hình người: Xu hướng công nghệ chiến lược và vũ khí tương lai

Robot hình người được tích hợp những thành tựu mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI), là sản phẩm hợp nhất của cơ giới hóa, tin học hóa và trí tuệ hóa. Với khả năng mô phỏng và thay thế con người ở cấp độ cao, robot hình người được cho là sẽ trở thành mảnh ghép then chốt trong chiến lược 'thay người bằng máy' trong chiến tranh thông minh.

Trong tương lai gần, khi công nghệ robot hình người đạt độ chín muồi và ứng dụng rộng rãi, đây có thể là hướng phát triển tiếp theo của hệ thống vũ khí không người lái, sau các thiết bị như UAV, USV, UUV?

Một trong 10 xu hướng công nghệ chiến lược năm 2025

Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh và các mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ lõi trong ba bộ phận chính của robot hình người - “đại não”, “tiểu não” và “thân thể” đã có bước đột phá.

Các nguyên mẫu sản phẩm đa dạng liên tiếp được công bố, nhu cầu ứng dụng mở rộng, một số tình huống sử dụng đã được triển khai thực tế, và khả năng sản xuất hàng loạt đang dần trở thành hiện thực. Tháng 10-2024, hãng tư vấn uy tín quốc tế Gartner xếp robot hình người đa năng vào danh sách 10 xu hướng công nghệ chiến lược năm 2025. Dự báo đến năm 2028, quy mô thị trường toàn cầu của lĩnh vực này có thể vượt 100 tỷ USD, và đến năm 2035 có thể chạm ngưỡng nghìn tỷ, với hơn 3 triệu robot hình người phục vụ đời sống con người.

Các cường quốc trên thế giới đều coi trọng sự phát triển và ứng dụng quân sự của robot hình người. Mỹ, Nga, Hàn Quốc… đều đã thử nghiệm robot hình người trong các kịch bản chiến đấu mặt đất, điều khiển phi cơ, kiểm soát hư hỏng trên tàu chiến, cứu hộ chiến trường… Mỹ liên tục ban hành các chiến lược như “Lộ trình công nghệ robot Hoa Kỳ”, “Kế hoạch quốc gia về robot”. Từ cuối thế kỷ XX, Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) cùng nhiều đơn vị khác đã triển khai các dự án như “Chương trình robot liên hợp” và tổ chức nhiều cuộc thi về robot hình người. Trong khi đó, Nga ban hành “Chiến lược ứng dụng robot quân sự tương lai”; Nhật Bản có “Sách trắng robot” và “Chiến lược robot mới”.

 Một robot hình người của Nga sử dụng súng lục tại một triển lãm gần đây để thể hiện khả năng ra quyết định. Ảnh: congluan.vn

Một robot hình người của Nga sử dụng súng lục tại một triển lãm gần đây để thể hiện khả năng ra quyết định. Ảnh: congluan.vn

Robot hình người trong hệ thống vũ khí không người lái

Trong hệ sinh thái thiết bị không người lái, robot hình người cạnh tranh trực tiếp với robot chó, UAV; các loại xe, tàu mặt nước, thiết bị ngầm không người lái và hệ thống robot mô phỏng sinh vật. Với khả năng phối hợp giữa “mắt, não, tay, chân”, robot hình người có thể thay thế con người thực hiện các nhiệm vụ tinh vi, phân tán và đa dạng trong môi trường phi cấu trúc.

Bàn tay chính là điểm vượt trội giúp robot hình người thao tác chính xác với công cụ, thực hiện công việc tinh xảo hơn các robot chó. So với cánh tay robot cố định, robot hình người có thể di chuyển linh hoạt, thích ứng với nhiều loại nhiệm vụ ở các địa điểm khác nhau. Trên lý thuyết, hầu hết nhiệm vụ quân sự hiện chưa thể thay thế con người đều có thể nằm trong danh sách năng lực mục tiêu của robot hình người.

Tuy nhiên, robot hình người cũng có hạn chế: Tốc độ không bằng xe không người lái, khả năng vượt địa hình phức tạp thua robot chó, và không thể “lên trời xuống biển” như UAV hay thiết bị ngầm. Mặt khác, chi phí phát triển cao và công nghệ phức tạp cũng là rào cản. Do đó, theo các chuyên gia, dù được ứng dụng rộng rãi trong tương lai, robot hình người sẽ không thay thế hoàn toàn các thiết bị không người lái khác mà sẽ bổ trợ trong hệ thống chiến đấu hợp nhất, với phân vai rõ ràng và phối hợp hiệu quả.

Robot hình người có thể được dùng trong những lĩnh vực quân sự nào?

Các chuyên gia nhận định, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và môi trường tác chiến tương lai, cùng với tiềm năng phát triển công nghệ, robot hình người có thể được ứng dụng trong 5 nhóm tình huống quân sự chủ yếu:

Thay thế hoặc phối hợp với con người trong tác chiến mặt đất: Robot hình người chiến đấu với năng lực tương đương bộ binh, có thể hoạt động trong môi trường đô thị hoặc dã chiến.

Điều khiển các khí tài cỡ nhỏ và trung để trực tiếp chiến đấu: Robot có thể vận hành xe tăng, thiết giáp, máy bay chiến đấu – vốn yêu cầu nhân lực lớn - để tối ưu nguồn lực và hạn chế tổn thất.

Hỗ trợ vận hành vũ khí cỡ lớn trong tác chiến gián tiếp: Phối hợp với người điều khiển pháo hạng nặng, máy bay ném bom, tên lửa chiến thuật - chiến lược, tàu chiến…, giúp giảm số lượng binh sĩ tham gia.

Thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tổng hợp, như công binh, y tá, thợ sửa chữa, chuyên gia tâm lý… trong công tác hậu cần và kỹ thuật.

Thay thế con người hoạt động trong môi trường nguy hiểm, như vùng nhiễm xạ, nhiệt độ khắc nghiệt, không gian sâu, biển sâu, lòng đất…, vận hành thiết bị phức tạp.

Sự phát triển robot hình người quân sự có thể từ hỗ trợ phi đối kháng đến tham gia chiến đấu trực tiếp; từ điều khiển hoàn toàn bởi con người, sang bán tự động, rồi đến tự chủ hoàn toàn; từ nhóm robot hỗ trợ (nhiều người điều khiển một robot), đến điều khiển cá thể (một người – một robot), rồi đến cụm robot tự vận hành và phối hợp chiến đấu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, robot hình người là vũ khí giống con người nhất từ trước tới nay, tiềm ẩn nguy cơ vượt kiểm soát. Do vậy, khi phát triển và sử dụng loại phương tiện này cần phải đặt ra trước vấn đề pháp lý và đạo đức, quy tắc tác chiến và phạm vi quyền hạn. Đặc biệt về quyền khai hỏa, cần có quy định cụ thể về mục tiêu, không gian, thời gian, mức độ sát thương… Ví dụ: Yêu cầu xác minh mục tiêu sinh học qua người điều khiển trước khi khai hỏa; ưu tiên cảnh báo thay vì tấn công ngay. Đồng thời, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc pháp lý trong chiến tranh như: Nguyên tắc nhân đạo, phân biệt mục tiêu, tính cần thiết và tương xứng… Tóm lại, robot phải phục tùng con người, tôn trọng và bảo vệ con người trong mọi hoàn cảnh.

THANH SƠN (theo xinhua.net, 81.cn)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/robot-hinh-nguoi-xu-huong-cong-nghe-chien-luoc-va-vu-khi-tuong-lai-837325
Zalo