Rét đậm, trường chuyển sang học trực tuyến, phụ huynh vẫn muốn cho con tới lớp
Một số trường lấy ý kiến phụ huynh về việc chuyển sang học trực tuyến trong thời tiết rét đậm, tuy nhiên nhiều cha mẹ vẫn muốn cho con được tới trường.
Thời tiết rét đậm, rét hại trong nhiều ngày qua khiến hàng chục nghìn học sinh ở các tỉnh, thành phải nghỉ học. Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tại Hà Nội, nhiều trường đã linh hoạt trong phương án học trực tuyến và trực tiếp.
Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), cho biết, ngay sau buổi học đầu tuần, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và cơ sở vật chất để chuyển sang dạy học trực tuyến. Tuy nhiên nhiều phụ huynh lại có mong muốn cho con đến trường học. Vì thế, nhà trường đã khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh.
“Qua khảo sát vào chiều 24/1, 99,4% phụ huynh đề nghị cho con được đi học. Đến sáng nay, toàn trường chỉ có 11 học sinh xin nghỉ ốm hoặc gia đình có việc riêng. Vì thế, nhà trường vẫn sẽ tổ chức cho trẻ đi học trực tiếp và ăn bán trú tại trường”, cô Lan thông tin.
Trường Tiểu học Xuân Phương cũng lùi giờ học xuống 30 phút so với bình thường, bắt đầu từ 8h15. Ngoài ra, thời gian ra chơi giữa buổi cũng sẽ được rút ngắn. Mọi hoạt động ra chơi, ăn sáng sẽ diễn ra trong lớp, học sinh không ra hành lang khi không có việc cần thiết.
Tại Trường Tiểu học Trung Văn (Nam Từ Liêm), phụ huynh được thông báo tiếp tục cho học sinh nghỉ ở nhà và tham gia học trực tuyến. Tuy nhiên theo cô Giang Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, có những phụ huynh bận mải đi làm, thầy cô vẫn sẵn sàng đón học sinh đến trường.
“Những hôm trước, số lượng học sinh nghỉ học ở nhà nhiều nhưng đến hôm nay, nhiệt độ nhỉnh hơn nên các em đi học khá đông. Trường cũng lùi giờ học xuống 8h30 để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải có mặt sớm để đón những bạn theo bố mẹ đi làm từ 7h30”.
Trong trường hợp nhiệt độ thấp kéo dài, cô Thủy cho biết trường vẫn sẽ linh hoạt các phương án, bao gồm cả hình thức học trực tuyến để đảm bảo chương trình học. Ngoài ra, trường cũng có ngân hàng bài giảng trực tuyến để phục vụ cho việc học tập.
Tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân), cô Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong những ngày qua, tỷ lệ tới lớp đối với học sinh THCS và THPT đạt khoảng 91%.
Đối với cấp tiểu học, sau 2 ngày nghỉ, học sinh được giáo viên giao nhiệm vụ học tập, đến hôm nay các em đến lớp đạt khoảng 82%. “Ở trường, học sinh ngồi trong phòng ấm, nước uống và đồ ăn bán trú được vận chuyển đến tận lớp, do đó phụ huynh không cần quá lo lắng”, cô Liên nói.
Nữ hiệu trưởng cho biết nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhà trường sẽ nghiên cứu phương án học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Trong trường hợp gia đình không có điều kiện chăm sóc con ở nhà, nhà trường vẫn sẽ đón trẻ tới lớp.
Có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Đại Từ (Hoàng Mai), khi nghe nhà trường thông báo sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến vì thời tiết khắc nghiệt, chị Bảo Ngọc không quá lo lắng. “Trước đó, trong năm lớp 2 và lớp 3, con cũng đã quen với việc học online vì dịch Covid-19. Do đó, khi nghe thông báo từ cô giáo, con có thể vào học ngay mà không lạ lẫm với thao tác máy móc, thiết bị và cũng không cần sự hỗ trợ của bố mẹ”.
Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, ban phụ huynh lấy ý kiến về học trực tuyến và trực tiếp, chị Ngọc cũng như hầu hết phụ huynh trong lớp đều đồng tình cho con đi học trực tiếp, tuy nhiên nên lùi thời gian học từ 7h40 xuống 8h15.
“Con đến trường được ngồi phòng điều hòa nên cũng rất ấm áp. Việc đi học đem lại nhiều lợi ích vì con được vận động, giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Đây là điều nếu con học online ở nhà sẽ không có được”, chị Ngọc nói.
Theo quy định, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10°C; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7°C.
Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.