Rashford tại Man United: Từ ước mơ tuổi thơ đến ác mộng Old Trafford

Giấc mơ khoác áo Manchester United của Marcus Rashford đã tan vỡ, để lại những mảnh vỡ không thể gắn lại. Mâu thuẫn chiến thuật, áp lực dư luận, và khoảnh khắc bồng bột ở hộp đêm Belfast đã đẩy anh rời xa Old Trafford — nơi từng là 'nhà', nay chỉ còn là ký ức không đẹp.

Mơ ước sụp đổ

Quỷ đỏ công bố gia hạn hợp đồng với Marcus Rashford cách đây khoảng hai năm. Khi đó, Rashford từng phát biểu: “Nơi bạn thuộc về”. Nhưng chỉ sau hai kỳ chuyển nhượng, anh đã không còn là một phần của Old Trafford. Tuyển thủ người Anh, trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của United, từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của đội bóng.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào mùa đông năm 2024, Rashford tuyên bố sẵn sàng tìm kiếm “gian nan mới” — tín hiệu cho thấy việc rời khỏi CLB thời thơ ấu là điều không thể tránh. Kể từ đó, cầu thủ 27 tuổi không còn được trao cơ hội thi đấu cho United, và hiện đang khoác áo Aston Villa theo dạng cho mượn. Từ cậu bé bảy tuổi ôm giấc mơ bóng đá, Rashford giờ đây phải đối mặt với ác mộng. Điều gì đã dẫn đến sự sụp đổ ấy?

Không còn phù hợp với chiến thuật của Amorim

HLV Ruben Amorim – người tiếp quản Manchester United cuối năm 2024 – thẳng tay loại Rashford vì thái độ thi đấu và phong cách chơi bóng không phù hợp với hệ thống của ông. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha phát biểu dứt khoát: “Đó là quyết định của tôi”.

Thực tế, Rashford từng khởi đầu rất ấn tượng dưới thời Amorim, ghi bàn chỉ sau 81 giây trong trận ra mắt. Anh có 4 bàn sau 4 vòng đầu Premier League, chỉ xếp sau hai cầu thủ khác trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, mâu thuẫn đã nảy sinh không phải vì phong độ, mà từ tư duy chiến thuật và thái độ thi đấu.

Amorim chia sẻ: “Tôi không thể khiến Marcus hiểu cách vận hành chiến thuật và phương pháp tập luyện của tôi”. Sau phát biểu đó, Rashford bị gạt khỏi danh sách thi đấu 13 trận liên tiếp. Thậm chí, HLV này từng mỉa mai: “Thà để thủ môn 63 tuổi dự bị còn hơn gọi Rashford trở lại”. Chỉ đến khi Rashford rời đi, căng thẳng này mới chấm dứt.

Ông cũng thẳng thắn phê phán “cách tập luyện, lối sống và những chi tiết nhỏ hàng ngày” – ẩn ý nhắm đến các lùm xùm bên ngoài sân cỏ của Rashford, đặc biệt là thói quen tiệc tùng thâu đêm.

Tai tiếng ngoài sân cỏ

Không chỉ Amorim, mà ngay cả HLV Erik ten Hag trước đó cũng từng công khai chỉ trích Rashford. Chỉ ba tháng sau khi ký hợp đồng 5 năm vào năm 2022, Ten Hag đã thẳng thắn lên án việc Rashford đi hộp đêm sau trận thua ở derby Manchester là “không thể chấp nhận”.

Đến mùa xuân 2024, tiền đạo người Anh tiếp tục gây tranh cãi khi bị bắt gặp ở hai hộp đêm tại Bắc Ireland trong hai đêm liên tiếp, rồi sau đó xin nghỉ ốm để tránh tập luyện. Những sự việc này khiến nhiều người nghi ngờ về tính chuyên nghiệp và cam kết của anh với nghề.

Những tia sáng giữa lằn ranh

Hành trình tại Manchester của Rashford là chuỗi những khoảnh khắc bùng nổ xen kẽ sự thiếu ổn định. Trong 10 mùa giải tại Ngoại hạng Anh, chỉ hai mùa anh vượt mốc 20 bàn thắng và kiến tạo: 2019–2020 và 2022–2023 — cũng là hai mùa United cán đích thứ ba.

Lối chơi phản công trực diện trong hai mùa giải đó rất phù hợp với tốc độ và khả năng dứt điểm của Rashford. HLV Ole Gunnar Solskjær từng chia sẻ trên podcast Stick to Football: “Chúng tôi muốn chơi đúng phong cách Manchester United — đối đầu trực diện, không co cụm phòng ngự”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đội bóng “chưa sẵn sàng” và “chưa đủ tốt”.

Dưới thời Solskjær, Rashford ghi 17 bàn tại Premier League trong một đội hình ban bật hiệu quả. Đến mùa 2022–2023, HLV Erik ten Hag tiếp tục phát huy lối chơi phản công, giúp Rashford đạt thành tích cao nhất sự nghiệp: 30 bàn trên mọi đấu trường. Nhưng khi hệ thống đó trở nên dễ bị bắt bài ở mùa 2023–2024, hàng công United sa sút và Rashford cũng chìm theo.

Dưới ánh mắt soi xét

Là sản phẩm của lò đào tạo Carrington, Rashford gánh vác kỳ vọng lớn trong bối cảnh đội bóng lâm vào khủng hoảng. Nếu thế hệ 1992 từng có Cantona, Keane hay Schmeichel chia lửa, thì Rashford gần như phải đối mặt một mình với áp lực sân khấu lớn.

Trong cuộc trò chuyện với Andy Murray thời kỳ đại dịch, Rashford từng chia sẻ: “Tôi không thực sự thích sự chú ý ngoài sân cỏ. Bạn mơ về việc ghi bàn cho United, nhưng không chuẩn bị cho việc cuộc sống thay đổi chỉ sau một đêm”. Anh thừa nhận mình chưa sẵn sàng đối diện với áp lực ấy.

Câu chuyện của Rashford khiến người ta liên tưởng đến Dennis Rodman – huyền thoại bóng rổ từng nói: “Tôi chơi bóng miễn phí, còn được trả tiền để chịu đựng áp lực”. Những lỗi lầm nhỏ, như chuyến đi Belfast, nhanh chóng bị thổi phồng thành khủng hoảng, khiến Rashford ngày càng lạc lõng.

Tương lai nào cho Rashford?

Hiện tại, Rashford đang thi đấu cho Aston Villa dưới dạng cho mượn, với 4 bàn thắng và 6 kiến tạo sau 17 trận — những con số không tệ. Nhưng tương lai thực sự của anh là tại Barcelona, nơi vừa hoàn tất thương vụ mượn kéo dài đến mùa 2025–2026, kèm điều khoản mua đứt trị giá 30 triệu euro (34 triệu USD).

“Đây là nơi giấc mơ thành hiện thực,” anh nói với chất giọng khát khao.

Tại Camp Nou, Rashford phải cạnh tranh với những cái tên như Raphinha, Lamine Yamal hay Robert Lewandowski. Anh không chỉ phải chiến đấu để chứng minh năng lực, mà còn để tìm lại chính mình, chàng trai từng mơ ghi bàn cho Man United nhưng chưa sẵn sàng cho thế giới khắc nghiệt ngoài sân cỏ.

Tương lai của Rashford vẫn là một dấu hỏi. Barcelona có thể là nơi hồi sinh, hoặc chỉ là một chương buồn khác trong sự nghiệp đầy biến động. Dù thế nào, anh vẫn sẽ chạy, vẫn chiến đấu với trái tim nặng trĩu nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng.

VẠN XUÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/rashford-tai-man-united-tu-uoc-mo-tuoi-tho-den-ac-mong-old-trafford-156335.html
Zalo