Radar Don-2N: 'Mắt thần' khổng lồ canh giữ bầu trời Moscow

Ẩn mình giữa rừng rậm gần thị trấn Sofrino, ngoại ô Moscow, radar Don-2N của Nga là một trong những kỳ quan công nghệ quân sự ấn tượng nhất thế giới.

Với hình dáng đồ sộ giống một kim tự tháp cụt và biệt danh "Pill Box" do NATO đặt, Don-2N không chỉ đơn thuần là một trạm radar, mà còn là "trung tâm thần kinh" của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược A-135, tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ thủ đô Moscow và khu vực trung tâm nước Nga khỏi các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Radar Don-2N. (Nguồn: RG)

Radar Don-2N. (Nguồn: RG)

Được thiết kế với hình dạng bốn mặt, mỗi mặt của Don-2N đều tích hợp các mảng ăng-ten radar cực lớn. Trong đó, các mảng hình tròn có đường kính 20 mét chuyên dùng để phát hiện và theo dõi mục tiêu, còn các mảng hình vuông, cạnh 11 mét, đóng vai trò dẫn đường chính xác cho tên lửa đánh chặn.

Các ăng-ten này được ngăn cách bởi những vách chắn thẳng đứng đặc biệt nhằm giảm thiểu tối đa nhiễu sóng lẫn nhau, đảm bảo độ chính xác và hiệu quả khi vận hành.

Tất cả dữ liệu thu được từ các ăng-ten đều được xử lý bởi siêu máy tính Elbrus-2 – cỗ máy tính toán khổng lồ chiếm toàn bộ một tầng của tòa nhà radar. Sức mạnh xử lý vượt trội của Elbrus-2 cho phép Don-2N hoạt động hoàn toàn tự động, duy trì khả năng tác chiến ngay cả trong trường hợp mất liên lạc với các trung tâm chỉ huy bên ngoài.

Radar Don-2N sử dụng công nghệ mảng pha quét điện tử chủ động, cho phép nó theo dõi bầu trời, không gian gần Trái Đất 24/7 với độ chính xác cao và thời gian phản ứng cực nhanh.

Hệ thống có khả năng phát hiện hàng loạt mục tiêu cùng lúc, từ đầu đạn tên lửa đạn đạo, vệ tinh do thám cho đến các vật thể siêu thanh và kết nối trực tiếp với các hệ thống phòng không khác để đưa ra phản ứng tức thì. Đây là một trong những yếu tố khiến Don-2N trở thành một trong những radar chiến lược mạnh mẽ và đáng gờm nhất thế giới hiện nay.

Công trình này được khởi công từ năm 1978, sau khi Liên Xô và Mỹ ký kết Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM).. Theo thỏa thuận, mỗi nước chỉ được phép triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất. Trong khi Mỹ chọn tiểu bang Bắc Dakota, nơi đặt phần lớn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), thì Liên Xô quyết định bảo vệ chính trái tim của đất nước: thủ đô Moscow.

Việc xây dựng Don-2N là một kỳ tích về kỹ thuật và tổ chức. Hơn 50.000 tấn bê tông, 30.000 tấn kim loại, 20.000 km dây cáp, hàng trăm kilômét đường ống làm mát và hơn 10.000 van gang đã được sử dụng để hoàn thiện công trình. Song song với quá trình xây dựng radar, một nhóm chuyên gia đã phát triển riêng siêu máy tính Elbrus-2 nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống.

Trước khi được triển khai tại Sofrino, nguyên mẫu radar Don-2N đã được thử nghiệm tại bãi thử Sary-Shagan ở Kazakhstan. Những kinh nghiệm thu được từ đây đã giúp hoàn thiện thiết kế cuối cùng của hệ thống.

Đến năm 1980, quá trình lắp đặt thiết bị chính thức bắt đầu tại Moscow và đến năm 1989, radar được đưa vào vận hành. Năm 1995, Don-2N được chính thức đưa vào trạng thái trực chiến.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/radar-don-2n-mat-than-khong-lo-canh-giu-bau-troi-moscow-169250701155533519.htm
Zalo