Quyết tâm cao bước vào giai đoạn mới
Với tinh thần đồng thuận và niềm tin sâu sắc vào bộ máy chính quyền hai cấp tỉnh và xã, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng với quyết tâm chính trị cao, chủ động bước vào giai đoạn mới, hướng tới nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực, bắt tay ngay vào công việc
Tỉnh Lâm Đồng mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có tổng cộng 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường và 1 đặc khu hành chính Phú Quý.
Nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền mới vận hành hiệu quả, chiều 23/6, tỉnh Lâm Đồng (cũ) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến vận hành thử nghiệm tổ chức hoạt động bộ máy chính quyền cấp xã.
Tiếp sau đó, ngày 25/6, Tỉnh ủy Đắk Nông (cũ) đồng loạt tổ chức các hội nghị thông báo công tác cán bộ tại các xã trên toàn tỉnh sau khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1671/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cán bộ phường Nam Gia Nghĩa nhanh chóng bắt tay vào công việc, phục vụ Nhân dân
Các sự kiện nói trên có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các đồng chí được tín nhiệm giữ chức vụ mới tại các xã, phường mới vừa là vinh dự lớn, vừa là trách nhiệm nặng nề trước Đảng, chính quyền và Nhân dân.
Bà Phạm Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Tuy Đức (Lâm Đồng) tâm sự, việc tỉnh Lâm Đồng mới tinh gọn còn 124 đơn vị cấp xã là nỗ lực lớn trong quá trình tổ chức lại bộ máy chính quyền và là một cuộc cách mạng hành chính đồng bộ, toàn diện.
Đây là bước ngoặt quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh Lâm Đồng mới vươn mình phát triển, thúc đẩy công cuộc xây dựng chính quyền hiệu quả, gần dân, sát dân. Với sự quyết tâm, quyết liệt hành động vì sự phát triển chung, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Tuy Đức tiếp tục nỗ lực, đồng sức đồng lòng, đóng góp trí tuệ, công sức, phấn đấu cao hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
“Lâm Đồng bước sang một trang sử mới, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cấp ủy, chính quyền xã Tuy Đức quyết tâm bắt tay ngay vào công việc với sự đồng lòng, quyết tâm cao; động viên, khuyến khích người dân luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững”, bà Phạm Thị Phượng chia sẻ.
Cùng quan điểm về tính cấp thiết và ý nghĩa của việc sáp nhập các đơn vị hành chính, ông Ngô Đức Trọng, Bí thư Đảng ủy phường Nam Gia Nghĩa (Lâm Đồng) cho biết chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Theo ông Trọng, cấp ủy, chính quyền phường Nam Gia Nghĩa đã xác định rõ nhiệm vụ, nhanh chóng thích ứng với vị trí, chức trách mới nhằm tiếp tục phục vụ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.
Sự chuyển mình của bộ máy hành chính không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu, mà còn là sự nâng tầm chất lượng phục vụ, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch và gần gũi với Nhân dân. Điều này càng được củng cố qua chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Phố, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lập (Lâm Đồng). Ông cho rằng việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một chủ trương đúng đắn, hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Với niềm tin tuyệt đối vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng về một tỉnh Lâm Đồng mới bứt phá, phát triển mạnh mẽ, cấp ủy, chính quyền xã Đức Lập đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. Xã tập trung vào công tác lãnh đạo, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ một cách chủ động, hiệu quả, địa phương quyết tâm bảo đảm guồng máy vận hành thông suốt, không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động, quyết liệt, quyết tâm cao
Việc vận hành, tổ chức hoạt động chính quyền 2 cấp tỉnh và xã giai đoạn đầu chắc chắn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về bộ máy lẫn con người. Điều quan trọng là các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương cần chủ động khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của đơn vị, qua đó rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Cán bộ hướng dẫn người dân tra cứu các thông tin cần thiết
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến vận hành thử nghiệm tổ chức hoạt động bộ máy chính quyền cấp xã của tỉnh Lâm Đồng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt, quyết tâm cao trong hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Để bộ máy chính quyền 2 cấp vận hành thông suốt từ ngày 1/7/2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị đội ngũ cán bộ chủ chốt của các xã, phường, đặc khu mới tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành. Đối với Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công tại xã, phường, đặc khu mới, phải là nơi thể hiện rõ nhất năng lực quản trị, hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền cơ sở sau sáp nhập. Mọi hoạt động ở đây phải thông suốt, chuyên nghiệp, thân thiện và trách nhiệm.
Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cấp xã vào cuộc quyết liệt, linh hoạt để bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm
Đối với cấp ủy xã, phường, đặc khu mới cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí cao trong giai đoạn chuyển tiếp bộ máy; khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, chương trình công tác của đảng ủy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong ban chấp hành, ban Thường vụ; bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo vận hành đồng bộ hệ thống chính trị không để ngắt quãng, gián đoạn, bỏ sót nhiệm vụ.
Đối với chính quyền cấp xã cần tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm cá nhân với từng lĩnh vực phụ trách; xây dựng kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025, tập trung vào ổn định tổ chức, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân trong giai đoạn chuyển tiếp…
“Tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cấp xã vào cuộc quyết liệt, linh hoạt để bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.