Quyết liệt vì ngành tôm xanh
Sản xuất xanh đang là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của mỗi quốc gia. Trong xu thế chung đó, ngành tôm chẳng những không là ngoại lệ mà sản xuất xanh còn là lựa chọn tốt nhất cho ngành tôm trong thời gian tới nếu muốn giữ vững vị thế và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Câu chuyện sản xuất xanh đối với ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung mới đây lại được nhắc đến và cũng là chủ đề chính của buổi tọa đàm: “Chia sẻ kinh nghiệm và lập kế hoạch triển khai hợp tác giảm phát thải rắn trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng phối hợp cùng Tổ chức ActionAid tại Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 21/11. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Dự án: “Tăng cường năng lực chuyển đổi năng lượng tái tạo và quản lý chất thải vì môi trường bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (viết tắt là K1)”, do Tổ chức ActionAid tại Việt Nam tài trợ.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh có sản lượng tôm cao nhất cả nước với trên 200.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm hằng năm của tỉnh chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi cao cũng phát sinh nhiều vấn đề cần sớm được quan tâm giải quyết, trong đó có vấn đề về môi trường (chất thải, nước thải và khí thải).
Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tọa đàm:
Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt hơn để môi trường nuôi tôm được tốt hơn và cũng để góp phần thực thi thành công mục tiêu Net Zero, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất xanh từ thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện vấn đề trên, theo bà Bình, cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để làm sao nghề nuôi tôm ngày một hiệu quả hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường. Cũng theo bà Bình, thời gian qua, Sóc Trăng được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm tài trợ triển khai các hoạt động thiết thực, như: xây dựng mô hình nuôi tôm tuần hoàn, nuôi tôm tiết kiệm nước, điện… và hiện đang phối hợp để thực hiện việc thu gom bạt nuôi tôm để tái chế sử dụng cho mục đích khác. Bà Bình chia sẻ: “Sóc Trăng không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao sản lượng, chất lượng tôm nuôi mà còn quyết liệt trong vấn đề môi trường để đáp ứng ngày một tốt hơn các tiêu chuẩn ngày một khắt khe của thị trường tiêu thụ”.
Ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2017, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất với tỷ lệ nuôi thành công trên 90%, đưa Bạc Liêu trở thành điểm sáng của ngành tôm cả nước. Tuy nhiên, khi việc phát triển "quá nóng" cũng bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề mà trong đó nổi lên là ô nhiễm môi trường. Đến năm 2019, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn đề ô nhiễm môi trường trên hệ thống kênh rạch ở Bạc Liêu và nếu không có những hành động kịp thời, ngành nuôi tôm của tỉnh sẽ khó có thể tồn tại. Từ đây, các giải pháp nuôi tôm hạn chế ô nhiễm môi trường được đưa vào thực hiện, trong đó có mô hình hầm ủ biogas để xử lý chất thải rắn trong nuôi tôm.
Ông Hồ Thanh Tuấn cho biết:
Bảo vệ tốt môi trường không chỉ giúp con tôm Việt Nam có được vị thế tốt hơn trên thị trường mà còn giúp nghề nuôi hiệu quả và bền vững hơn, nông thôn trở thành nơi đáng sống hơn.
Trong xu thế phát triển xanh, chỉ có xanh hóa vùng nuôi, con tôm Việt Nam mới được người tiêu dùng quan tâm hơn và thưởng thức. Cho nên, xanh hóa vùng nuôi không phải là thách thức, áp lực mà qua đó là nâng cao giá trị, hình ảnh sản phẩm thủy sản xanh sạch của ta, giúp nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững vị thế ngành tôm trên thị trường thế giới. Bởi trong các mắt xích chuỗi giá trị, khâu nuôi chiếm vị trí hết sức quan trọng không chỉ trong việc hình thành giá trị chung, mà còn quan trọng trong việc tạo ra rác thải, khí thải.
Trong thực tế có rất nhiều giải pháp các cơ sở nuôi, chế biến đang thực nghiệm, đang ứng dụng và đã có kết quả ban đầu khá tốt, có tiếng vang. Các cơ sở nuôi biết tính toán bố trí ao nuôi sao dễ kiểm soát tình hình đáy ao, hạn chế hình thành khí độc. Các chế phẩm, tập trung chế phẩm vi sinh, được sử dụng để xử lý khí độc và phân hủy chất thải đáy ao nhanh hơn, ít gây ô nhiễm hơn. Mật độ thả nuôi được tính toán phù hợp từng mùa vụ, thời tiết nhằm bảo đảm môi trường tôm sinh trưởng tốt nhất, hạn chế thiệt hại, hạn chế ô nhiễm.
Các cơ sở nuôi cũng quan tâm nghiên cứu cách thức tính toán mức thức ăn cho tôm, cá trên nền tảng tính toán các yếu tố tác động tích cực (thời tiết, con giống tốt) lẫn tiêu cực (thời tiết thất thường, dịch bệnh) và từng loại thức ăn nhằm giảm thức ăn mà tôm, cá vẫn phát triển như mong muốn. Chất thải rắn từ nuôi tôm bên cạnh giải pháp xử lý bằng hầm ủ biogas để thu khí đốt và phân bón, còn có thể dùng để nâng đáy ao trải bạt đáy, giảm việc có thể phồng đáy và nước bên ngoài thâm nhập vào ao nuôi… Việc này mang ý nghĩa cho cả kinh tế xanh lẫn kinh tế tuần hoàn.
Những động thái, giải pháp trên góp phần hạn chế khí thải, rác thải để vùng nuôi thêm êm ả, không bị tác động xấu, góp phần xanh hóa vùng nuôi, hiện thực hóa mục tiêu đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Ngoài ra, Sóc Trăng và các tỉnh nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có các khu rừng phòng hộ đã, đang và sẽ còn được chú trọng phủ xanh đều khắp và rộng mở hơn. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương, còn có sự tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở nuôi tôm trong vùng.