Quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay, trên địa bàn phường Tân Phong, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tái phát và có diễn biến phức tạp trên đàn lợn. Không để lây lan diện rộng, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn.

Gia đình ông Nông Văn Đức ở bản Nà Bỏ (phường Tân Phong) phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi gia súc, phòng tránh bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Gia đình ông Nông Văn Đức ở bản Nà Bỏ (phường Tân Phong) phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi gia súc, phòng tránh bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Chúng tôi cùng cán bộ phường Tân Phong xuống các bản có lợn bị bệnh DTLCP, không khí như chùng xuống bởi lo lắng bao trùm các hộ chăn nuôi. Là một trong 5 hộ trên địa bàn phường có lợn chết vừa tiến hành tiêu hủy, chị Lò Thị Phong ở bản Nà Bỏ tâm sự: Ngày 11/7, trong đàn lợn của gia đình có một con biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, sau đó chết. Trước đó, trên địa bàn phường có một số hộ có lợn bị nhiễm bệnh DTLCP, chị nghĩ lợn nhà mình cũng vậy nên đã thông báo cho phường. UBND phường phối hợp với phòng chuyên môn của tỉnh nhanh chóng đến nhà và tiêu hủy lợn bị chết, triển khai các biện pháp phòng ngừa theo quy định.
Gia đình chị Vàng Thị Ngọc ở bản Nà Bỏ cũng đang điêu đứng vì DTLCP. Nhìn chuồng lợn trống không, chị Ngọc xót xa lắm: “Nếu bán ở thời điểm này với giá lợn hơi là 70.000 đồng/kg thì gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Vì khu chăn nuôi của gia đình tôi rất tách biệt, ít người qua lại, gia đình lại chủ động nguồn thức ăn không phải mua thịt lợn ở chợ nên nguyên nhân lợn mắc bệnh cũng chưa xác định được rõ”.
Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân tái phát bệnh DTLCP trên địa bàn do mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường từ các ổ dịch cũ. Một số con lợn nhiễm mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bài tiết vi-rút ra ngoài môi trường kết hợp với các hoạt động khác của con người (vận chuyển, buôn bán...). Trong khi hiện nay chưa triển khai tiêm đồng loạt vắc-xin thương mại phòng bệnh DTLCP và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuyển sang nóng ẩm, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm.
Được biết, phường có tổng đàn lợn khoảng 18.000 con, bệnh DTLCP xuất hiện từ đầu tháng 7 tại bản Nà Bỏ, sau đó lan sang bản Xéo Xin Chải. Bà Hoàng Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong cho hay: Ngày 11/7, qua nắm bắt thông tin ở cơ sở, lợn của một số hộ dân trên địa bàn chết không rõ nguyên nhân, ngay sau khi nắm được thông tin, UBND phường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, mổ, khám lấy mẫu bệnh phẩm các cá thể lợn chết gửi cơ quan thú y xét nghiệm xác định bệnh. Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 4978 ngày 12/7/2025 của Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm Thú y Trung ương có mẫu dương tính với vi-rút gây bệnh DTLCP. Hiện nay, tổng số lượng tiêu hủy là 12 con (tổng trọng lượng 606kg). Ngày 16/7/2025, UBND phường đã ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn phường.
Đồng thời, phường đã tạm ứng 50 lít sát trùng và các vật tư hóa chất kèm theo để xử lý các ổ dịch. Tuyên truyền người dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Hướng dẫn các hộ chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y, thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh chuồng trại. Đến thời điểm hiện tại, bệnh DTLCP cơ bản được kiểm soát.
Ngăn chặn triệt để bệnh DTLCP, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi cần nâng cao hơn nữa ý thức chăn nuôi an toàn, đặc biệt là không được giấu dịch.

Thảo Vân - Chu Hừ

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/van-de-hom-nay/quyet-liet-ngan-chan-benh-dich-ta-lon-chau-phi-1271320
Zalo