'Quy tắc ngầm' giúp tránh lọt bẫy hàng giả khi chơi đồng hồ qua tay

Khi thị trường đồng hồ thứ cấp ngày càng phát triển, hàng giả xuất hiện tràn lan khiến nhiều người chơi mất tiền oan nếu không biết phân biệt.

 Một số mẫu đồng hồ cổ điển duy trì sức hút vượt thời gian. Ảnh minh họa: Hodinkee.

Một số mẫu đồng hồ cổ điển duy trì sức hút vượt thời gian. Ảnh minh họa: Hodinkee.

Mặc dù thị trường đồng hồ qua tay trở nên ảm đạm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu sở hữu những cỗ máy thời gian huyền thoại vẫn gia tăng.

Một số dòng đến từ các thương hiệu cao cấp, như Patek Philippe và Rolex, vẫn duy trì sức hút, khẳng định sức sống vượt thời gian.

Tuy nhiên, trên thị trường đồng hồ thứ cấp vốn phức tạp, việc bị lừa mua hàng giả, hàng nhái không còn xa lạ. Người tiêu dùng cần biết cách phân biệt, trang bị kiến thức đầy đủ trước khi “xuống tiền” cho những món phụ kiện đắt đỏ, theo Tatler Asia.

 Những chiếc đồng hồ cũ thường bị thay thế linh kiện nhiều lần, khiến giá trị thay đổi. Ảnh minh họa: Classic Watch Repair.

Những chiếc đồng hồ cũ thường bị thay thế linh kiện nhiều lần, khiến giá trị thay đổi. Ảnh minh họa: Classic Watch Repair.

‘Thời điểm vàng’ mua đồng hồ cũ

Theo Alexandre Bigler, người đứng đầu bộ phận đồng hồ khu vực châu Á của nhà đấu giá nổi tiếng Christie's, thị trường đồng hồ qua sử dụng bắt đầu phát triển nhanh tại châu lục này từ năm 2010. Những phiên đấu giá ghi nhận nhiều con số kỷ lục.

Tại một cuộc đấu giá ở Geneva (Thụy Sĩ) năm 2021, chiếc Rolex Daytona “Paul Newman” Ref. 6263 được bán với giá 17,8 triệu USD, một trong những con số lớn nhất trong lịch sử.

Trong một phiên đấu giá khác tại London (Anh), mẫu Patek Philippe Ref. 1518 bằng thép không gỉ được mua lại với giá khoảng 7 triệu USD, xác lập kỷ lục cho thương hiệu.

Theo báo cáo được thực hiện bởi công ty tư vấn và phân tích LuxeConsult và ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, giá thành của đồng hồ qua sử dụng giảm trong những tháng cuối năm 2023, sau đó dự kiến tăng trưởng lên mức 10% vào năm nay.

Vì thế, LuxeConsult kết luận rằng đây là “thời điểm vàng” để đầu tư vào món phụ kiện qua tay.

Tuy nhiên, khi thị trường thứ cấp "nóng lên", vấn nạn đồng hồ giả càng tràn lan. Các hành vi lừa đảo cũng trở nên tinh vi hơn, khiến công tác thẩm định gặp khó khăn.

Năm 2021, một chiếc Omega Speedmaster "Broad Arrow" Ref. 2915-1 từng được đấu giá ở mức 3,4 triệu USD, gấp khoảng 30 lần giá gốc. Sau khi kiểm tra, một số chuyên gia phát hiện ra nhiều chi tiết bất hợp lý, cuối cùng đưa ra kết luận rằng cỗ máy thời gian này là hàng giả.

 Người chơi cần ghi lại hình ảnh mẫu đồng hồ định mua để nhờ chuyên gia kiểm định. Ảnh minh họa: Bob's Watches.

Người chơi cần ghi lại hình ảnh mẫu đồng hồ định mua để nhờ chuyên gia kiểm định. Ảnh minh họa: Bob's Watches.

Phân biệt thật - giả

Barry Cheung, chuyên gia đồng hồ tại Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng người chơi cần quan tâm đến lịch sử của mẫu đồng hồ định mua. Vì mặt hàng có tuổi thọ tương đối lớn, một số bộ phận có khả năng cao đã bị thay thế.

Điều đó không có nghĩa rằng món đồ đó là hàng giả. Tuy nhiên, giá trị của nó bị ảnh hưởng ít nhiều sau những lần thay linh kiện.

Steve Wong, người dành 20 năm sưu tập đồng hồ Rolex cổ, đưa ra danh sách những câu hỏi mà người mua cần đặt ra với người bán trước khi ra quyết định xuống tiền.

Ngoài thắc mắc về nguồn gốc, tình trạng máy móc, người chơi cũng có thể yêu cầu ghi lại hình ảnh để nhờ chuyên gia tư vấn, thẩm định.

Song, Steve Wong cho rằng những người mới nhập môn đều có thể mắc sai lầm. Bài học rút ra sau những nước đi sai đó giúp họ trở nên giàu kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này.

“Rủi ro cũng có giá trị của nó. Các nhà sưu tầm nên duy trì thái độ sẵn sàng học hỏi”, Wong nói với Tatler Asia.

Chuyên gia Barry Cheung cũng đưa ra một "quy tắc ngầm" giúp người chơi phân biệt hàng thật - hàng giả.

Nguyên tắc 5-3 được quy ước như sau: Khi quan sát một cỗ máy thời gian thật, bạn có thể nhận diện món đồ thuộc về thương hiệu nào từ khoảng cách 5 m và dễ dàng quan sát, tham chiếu từ khoảng cách 3 m.

Tuy nhiên, "quy tắc ngầm" này chỉ được áp dụng trong một số điều kiện thuận lợi, đồng thời người chơi cần bề dày kiến thức, trải nghiệm để nhận biết.

Nhìn chung, để đảm bảo không bị lừa, mắc bẫy của những tay buôn bất chính, các nhà sưu tầm cần chụp hình, quay video mẫu đồng hồ định mua, nhờ chuyên gia, đơn vị kiểm định uy tín kiểm tra giúp, theo Tatler Asia.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-tac-ngam-giup-tranh-lot-bay-hang-gia-khi-choi-dong-ho-qua-tay-post1452349.html
Zalo