Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm nhìn và khát vọng Đô thị di sản thiên niên kỷ

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình. Theo đánh giá của các cơ quan Trung ương, Quy hoạch tỉnh vừa đảm bảo tính kế thừa, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, nổi trội và xác định được tầm nhìn, khát vọng của tỉnh là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đây cũng là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, tầm nhìn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự tâm huyết và trí tuệ của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh cũng như các sở, ban, ngành và đội ngũ chuyên gia tư vấn, cùng sự đồng thuận của Nhân dân trong hơn 3 năm triển khai xây dựng Quy hoạch.

Người dân thành phố Ninh Bình tìm hiểu về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Anh Tuấn

Người dân thành phố Ninh Bình tìm hiểu về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Anh Tuấn

Bài 1: Huy động trí tuệ, tâm huyết để xây dựng Quy hoạch tỉnh

Để xây dựng Quy hoạch tỉnh đã có hàng trăm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước; các bộ, ban, ngành Trung ương; các sở, ngành trong tỉnh; trải qua sáu Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, cho ý kiến; 2 kỳ họp HĐND tỉnh thông qua nghị quyết và nghị quyết sửa đổi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để xây dựng Quy hoạch đảm bảo chất lượng, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng của tỉnh, đưa Ninh Bình bứt phá đi lên trong thời gian tới.

Đổi mới tư duy, cách tiếp cận

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được xây dựng trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua, các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Ninh Bình xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình.

Với những thuận lợi đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan lập quy hoạch tỉnh. Công tác lập quy hoạch tỉnh đã được thực hiện theo đúng quy trình quy định tại khoản 4, Điều 16 Luật Quy hoạch; gồm các bước: Xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; xây dựng ý tưởng quy hoạch, đề xuất các nội dung quy hoạch; hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định; tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch. Hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát; hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh theo kết quả rà soát và trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đại Á Đông, đơn vị tư vấn Quy hoạch cho biết: Khó khăn lớn nhất khi tham gia lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình là khung pháp lý còn mới, chưa có cơ sở để tham chiếu trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Vì thế, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi và kịp thời giải quyết những vướng mắc, các vấn đề phát sinh để đảm bảo tiến độ, chất lượng của Quy hoạch, nhất là thông tin, số liệu trong dự thảo phải bảo đảm chính xác, góp phần quan trọng vào việc dự báo mô hình phát triển tỉnh Ninh Bình trong tương lai.

Lễ hội Tràng An năm 2024. Ảnh: Trường Huy

Đơn vị tư vấn đã lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình theo phương pháp tích hợp, tiếp cận "từ dưới lên và từ trên xuống" góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường làm cơ sở quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng các vùng huyện, liên huyện trên địa bàn và xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển các ngành trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về quá trình thực hiện lập Quy hoạch tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mặc dù được các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi, cộng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn, nhưng quá trình lập Quy hoạch tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi đây là lần đầu tiên tỉnh thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, nghĩa là tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực riêng lẻ trước đây vào Quy hoạch tỉnh. Vì vậy, quá trình lập Quy hoạch lần này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương cũng như sự tham vấn, thẩm định của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh giáp ranh.

Trong quá trình thực hiện quy trình lập Quy hoạch tỉnh yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển chiến lược dài hạn của tỉnh Ninh Bình và các ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với quy hoạch vùng và quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng và lân cận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thông báo việc lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy hoạch tỉnh đến UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn. Các địa phương đã chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin việc lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch tỉnh đến cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, khi xây dựng ý tưởng quy hoạch và hoàn thiện báo cáo quy hoạch, Ninh Bình đã lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học như: TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV; đơn vị tư vấn quốc tế của Hà Lan

Với hơn 300 ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, công tác lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đảm bảo mục tiêu, định hướng quy hoạch; bám sát, cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành có liên quan. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch được thống nhất trong toàn tỉnh.

Nâng tầm lý luận và thực tiễn

Như vậy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (tháng 9/2020), trải qua trình tự các bước lập quy hoạch đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh (tháng 3/2024), là tròn 3,5 năm, là thời gian tương đối dài. Ngoài yếu tố bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư: Quy hoạch tỉnh là công việc mà tỉnh rất trăn trở, yêu cầu cao, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, UBND tỉnh có sự quyết liệt, tạo "áp lực" đối với các ngành và đơn vị tư vấn để nhận được một sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, để định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, trong đó phải kể đến Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương", nhận được sự quan tâm của hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý trong nước.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học trong thời gian qua, nghiên cứu hoàn thiện các nội dung của Quy hoạch tỉnh. Theo đó, một số nội dung cần thiết phải cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Đặc biệt, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung, giải trình và cam kết một số nội dung của Quy hoạch tỉnh, trong đó bổ sung cập nhật quan điểm phát triển, mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật thêm phương hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản vào mục tiêu, phương hướng phát triển các ngành quan trọng. Những nội dung quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển ngành quan trọng được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở triển khai, hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở đó Quy hoạch tỉnh đã khẳng định được tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược vừa có tính kế thừa vừa nâng tầm lý luận và thực tiễn, thể hiện được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn để định hình phát triển tỉnh ta cho nhiều giai đoạn sau này.

Nguyễn Thơm

Bài 2: Từ quyết tâm chính trị đến khát vọng lịch sử

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quy-hoach-tinh-ninh-binh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam/d20240526221953165.htm
Zalo