Quy hoạch Thủ đô Hà Nội chú trọng đến liên kết vùng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch Thủ đô đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Toàn cảnh phiên họp ngày 20/6 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp ngày 20/6 của Quốc hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đồng tình về phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô cũng như các định hướng, giải pháp cải tạo chung cư cũ, giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải... Về quy hoạch đô thị, Đại biểu đề xuất cần có định hướng để hạn chế việc phát triển nhà ống, không phát triển nhà cao tầng trong nội đô.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội. Đại biểu đề xuất bổ sung báo cáo đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô.

Theo đại biểu, thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch Thủ đô có nhiều đổi mới với tư duy đột phá. Theo Bộ trưởng, quy hoạch Thủ đô theo định hướng phát triển như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, không khí của Hà Nội...

Quy hoạch cũng chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.

Quy hoạch Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Bộ trưởng cho biết thêm, quy hoạch này có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản; thể hiện được định hướng phát triển, là Thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; điều chỉnh cấu trúc không gian cũng như hạ tầng đô thị dựa trên khung hạ tầng giao thông công cộng.

Quy hoạch đã định hướng tổ chức không gian phát triển sông Hồng trở thành không gian sinh thái văn hóa, kinh tế và là nơi thể hiện được các biểu tượng phát triển của Thủ đô. Trong đó, lấy trục sông Hồng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo và điểm nhấn quan trọng của Vùng Thủ đô, vùng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lập kế hoạch đã khó, việc thực hiện được còn khó hơn rất nhiều. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần rà soát để xem xét tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.

Được biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của Đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, điều chỉnh dự báo phát triển, kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc đô thị; Kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; Điều chỉnh bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh. Cải tạo và tái thiết đô thị, nông thôn.

Thủ đô Hà Nội sẽ định hướng phát triển không gian theo mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế, tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia tại phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng Quốc tế tại phía bắc sông Hồng; Trung tâm Chính trị, hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm TP. Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm; phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng và Quốc gia…

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/quy-hoach-thu-do-ha-noi-chu-trong-den-lien-ket-vung.html
Zalo