Quy hoạch phát triển nhiều tuyến đường thủy kết nối cảng biển tại Hải Phòng
Hải Phòng sẽ phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận, kết nối với khu vực cảng biển Lạch Huyện.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đến năm 2050, Hải Phòng định hướng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới.
Trong đó, đối với phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển cảng biển và hạ tầng kết nối là mục tiêu quan trọng của thành phố cảng.
Cảng biển Hải Phòng thuộc nhóm cảng biển số 1 với quy mô, chức năng là cảng biển đặc biệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: khu bến Lạch Huyện; khu bến Đình Vũ; khu bến sông Cấm - Phà Rừng; khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc; bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải; các khu neo đậu tránh, trú bão.
Quy hoạch cũng định hướng hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm. Đồng thời, đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc.
Ngoài ra, nâng cấp hệ thống cụm cảng cạn Đình Vũ với công suất khoảng 300.000 - 550.000 Teu/năm và xây dựng mới cảng cạn Kiến Thụy với công suất khoảng 100.000 - 150.000 Teu/năm.
Đáng chú ý, cùng với việc phát triển hệ thống cảng biển, các tuyến đường thủy nội địa kết nối cũng được Hải Phòng định hướng phát triển mạnh để tận dụng lợi thế về đường thủy và ưu thế của vận tải sông pha biển.
Cụ thể, thành phố sẽ phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận như cửa sông Văn Úc, Lạch Tray, Thái Bình, Trà Lý, Diêm Điền (Thái Bình)… kết nối với khu vực cảng biển Lạch Huyện.
Ngoài phát triển các cảng hàng hóa, quy hoạch cũng định hướng việc tận dụng lợi thế đường thủy tại Hải Phòng để phát triển các tuyến du lịch đường thủy, các bến tàu khách du lịch.
Cụ thể, tập trung phát triển các bến tàu khách du lịch kết hợp thương mại dịch vụ du lịch ven sông Cấm, Cát Hải, Đồ Sơn; bến tàu khách trung tâm Cát Bà, Cái Viềng, bến Gót, Cát Hải, Hải An, Đồ Sơn.
Đồng thời, nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Đá Bạch, sông Cấm, sông Kinh Môn, sông Văn Úc, sông Lạch Tray.
Bên cạnh đó, phát triển các tuyến đường thủy nội địa quanh các đảo thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ vận chuyển khách du lịch và các đường thủy nội địa chuyên dùng nối Khu đô thị Cái Giá với luồng ven đảo Cát Bà.