Quy hoạch không gian văn hóa trong đô thị: Tạo môi trường sống cân đối, bền vững

Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cần chú ý đến tính thống nhất và tính đa dạng văn hóa để tạo ra một môi trường sống cân đối và phát triển bền vững.

Tính thống nhất và tính đa dạng văn hóa không chỉ là mục tiêu quy hoạch đô thị mà còn là lợi ích cho cả TP và cư dân. Nó giúp thúc đẩy sự đoàn kết xã hội và tạo ra một môi trường sống phong phú và đa dạng.

Tạo lập các không gian văn hóa đặc sắc

Kết luận 80-KL/TW của Bộ Chính trị đã lưu ý Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần kiên định quan điểm "văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”.

Đây cũng là nội dung được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Thủ đô).

Khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Trong quá trình chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô, lãnh đạo UBND TP Hà Nội luôn nhấn mạnh quan điểm, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô chính là văn hóa và con người Hà Nội; xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ then chốt, là nền tảng, sức mạnh nội sinh và động lực để xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Từ định hướng của TP, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và đưa ra quan điểm, mục tiêu tổng quát cũng như các chỉ tiêu cụ thể cho phát triển lĩnh vực văn hóa của Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong đó đã định hình phát triển các không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, đô thị sáng tạo.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đơn vị thuộc liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển không gian văn hóa theo các trục chính.

Trong đó, nổi bật là trục không gian lễ hội sông Hồng, hình thành con đường di sản và giới thiệu lịch sử, cảnh quan, đất nước con người Việt Nam dọc hai bên sông; là không gian tổ chức tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống của mọi miền đất nước.

Cùng đó, xây dựng trung tâm văn hóa, nghệ thuật khu vực Hồ Tây gồm các trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa để tái hiện lại lịch sử trên nền tảng công nghệ mới; không gian bảo tàng, thư viện gắn với các hoạt động triển lãm, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và mỹ thuật và dịch vụ trải nghiệm.

Quy hoạch không gian kiến trúc mang các đặc trưng văn hóa Thủ đô như: kiến trúc nhà và công trình xây dựng khu đô thị trung tâm và các khu mới; xây dựng công trình mang tính biểu tượng Thủ đô gắn với quảng trường và không gian lễ hội trục Hồ Tây - Cổ Loa và Trung tâm hành chính mới Thủ đô. Quy hoạch không gian văn hóa và kỹ nghệ làng nghề thành không gian du lịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề, làng cổ…

Các chuyên gia tâm huyết, gắn bó với Hà Nội lâu nay cũng đồng tình, Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hóa. Vì xa rời văn hóa thì không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

Kết hợp bảo tồn và phát triển văn hóa với xây dựng đô thị thông minh

Các chuyên gia đều cho rằng, quy hoạch phát triển đô thị ở Thủ đô Hà Nội cần chú ý đến tính thống nhất và tính đa dạng văn hóa để tạo ra một môi trường sống đô thị cân đối và phát triển bền vững.

Theo TS Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) Việt Nam, Hà Nội là Thành phố ngàn năm văn hiến. Các lớp cắt di sản lịch sử và văn hóa để lại sự khác biệt cho TP bên trong sông Hồng. Đan quyện trong TP là dòng chảy của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống tạo nên một thành phố sống động bậc nhất Đông Nam Á. Đó chính là tài sản xã hội quan trọng mà Hà Nội cần khai thác và phát huy.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa tính thống nhất và tính đa dạng văn hóa trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh bảo tồn và tôn trọng di sản văn hóa cổ truyền như: khu phố cổ, Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các kiến trúc Phật giáo, kiến trúc đền, đài, cung điện, thành lũy, kiến trúc Pháp… còn cần tạo không gian văn hóa sáng tạo.

Phát triển các khu vực trong TP để thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa và nghệ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật để biểu diễn và trình bày tác phẩm của họ. Các không gian văn hóa sáng tạo không chỉ ở nội đô mà cả vùng ngoại thành, vùng nông thôn.

Hà Nội mở rộng đã bao gồm hai dòng chủ lưu là văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài, chứa đựng một phần của văn hóa Kinh Bắc và Văn hóa Sơn Nam Thượng.

Theo nhiều chuyên gia, quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội cần chú ý đến đặc trưng của từng vùng văn hóa này để khai thác và phát huy lợi thế so sánh trong phát triển bền vững Thủ đô, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, làm giàu cho văn hóa Thủ đô.

Tương tác và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương và người dân để bảo đảm rằng quy hoạch và phát triển đô thị phản ánh và phục vụ đa dạng văn hóa của TP, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, chủ thể của quy hoạch đô thị, tạo động lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô.

Nhất là quan tâm hợp tác với các tổ chức quốc tế và TP khác để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, chú ý kết nối các đô thị trong khối ASEAN và tăng cường sự hợp tác với các Thành phố sáng tạo trên thế giới.

Đặc biệt sử dụng công nghệ thông minh để bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa, ví dụ như việc tạo ra ứng dụng hướng dẫn du lịch thông minh để khám phá các điểm tham quan văn hóa. Tạo cơ hội cho nghệ sĩ và nghệ nhân địa phương, hỗ trợ tài năng văn hóa và nghệ thuật địa phương thông qua các chương trình và dự án sáng tạo.

“Kết hợp giữa việc bảo tồn và phát triển văn hóa của Thủ đô Hà Nội với việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững sẽ giúp tạo ra một môi trường sống đa dạng và phong phú cho cư dân Thủ đô và du khách”- PGS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh.

Với vị thế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi có thể đại diện cho văn hóa Việt Nam, khi quy hoạch Hà Nội cần nhấn mạnh yếu tố văn hóa, coi đó là cốt lõi, được tính đến đầu tiên khi tổ chức các không gian, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh việc giữ gìn các di sản văn hóa, cần tạo dựng những công trình kiến trúc mới, mang dấu ấn thời đại, để Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, thành phố hội nhập toàn cầu, thành phố sáng tạo và điểm đến tiêu biểu của du lịch văn hóa.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội PGS.TS Phạm Thị Thu Hương

Thùy Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-khong-gian-van-hoa-trong-do-thitao-moi-truong-song-can-doi-ben-vung.html
Zalo