Quỹ Hỗ trợ đầu tư: Duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư
Chiều 11-12, tiếp tục phiên họp thứ 40, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng Nghị định. Theo đó, việc ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, chạy đua thu hút đầu tư gay gắt giữa các quốc gia và hoàn thiện, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Dự thảo Nghị định có 6 Chương và 45 Điều. Về Quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ này là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ.
Quỹ hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động quy định tại Nghị định này. Quỹ có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước để nhận kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với nguồn ngoài ngân sách Nhà nước.
Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Điều kiện và tiêu chí hưởng hỗ trợ của Quỹ là doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao: Có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
Về phương thức hỗ trợ, chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Đây là hình thức hỗ trợ chi phí đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và phù hợp với nguyên tắc OECD.
Thẩm tra nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ, để bảo đảm công tác tổ chức thực hiện các nội dung đã được quy định trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung hỗ trợ tại dự thảo Nghị định hiện đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao và để đáp ứng điều kiện và tiêu chí hỗ trợ, các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ chủ yếu sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài, đa quốc gia. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ nguồn lực của Quỹ là không rõ rệt.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo đánh giá tác động chính sách cần bổ sung các thông tin về: Những điểm khác, trái với các các luật hiện hành; báo cáo đánh giá về nguồn lực tài chính cần làm rõ: Hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi này; khả năng cân đối nguồn lực thực hiện hằng năm, biện pháp xử lý các rủi ro khi thực hiện chính sách, đặc biệt trong trường hợp khoản chi này được thực hiện trước, không phụ thuộc vào khả năng thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung từ các doanh nghiệp thuộc diện nộp khoản thuế này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng nghị định của Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút, khuyến khích tất cả loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát nội dung chính sách trong dự thảo Nghị định, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; đồng thời đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; tránh xung đột pháp lý, nhất là các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, xác định mục tiêu sử dụng Quỹ là đảm bảo hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Dự thảo Nghị định cần rà soát các điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chính sách; đảm bảo minh bạch về mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ; cân nhắc quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế "xin - cho" dẫn đến khiếu nại.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ; việc quản lý Quỹ đảm bảo chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí, đảm bảo minh bạch, khách quan.