Quy định mới về đào tạo và học lái xe ô tô, mô tô: Tăng cường tính linh hoạt, bảo đảm chất lượng
Bộ Xây dựng vừa chính thức ban hành Thông tư số 14/2025/TT-BXD quy định chi tiết về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ đối với người học lái xe ô tô, mô tô, cũng như đào tạo kiến thức pháp luật giao thông đường bộ. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2025.
Thông tư số 14/2025/TT-BXD được áp dụng đối với tất cả tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe mô tô, ô tô và điều khiển xe máy chuyên dùng. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
Người học các hạng lái xe mô tô A1, A và ô tô B1 có thể lựa chọn hình thức học lý thuyết theo một trong hai phương thức: tự học theo chương trình quy định của Chính phủ hoặc học tập trung tại cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, phần thực hành bắt buộc phải được thực hiện tại các cơ sở đào tạo chính quy.

Đối với các hạng lái xe ô tô từ B, C1, C đến các hạng cao hơn như D, E và các hạng có kéo rơ-moóc (BE, CE...), chương trình lý thuyết có thể triển khai linh hoạt thông qua học tập trung, đào tạo từ xa hoặc tự học có hướng dẫn. Dù vậy, tất cả học viên đều phải tham gia học thực hành trực tiếp tại trung tâm đào tạo.
Cơ sở đào tạo cũng được yêu cầu xây dựng thời lượng khóa học không vượt quá 90 ngày, căn cứ theo khối lượng chương trình, phân bổ thời gian hợp lý, cũng như các yếu tố như nghỉ lễ, kiểm tra, ôn tập và quy mô học viên trong từng nhóm thực hành.
Cụ thể: mỗi xe tập lái hạng B chỉ được tối đa 5 học viên, còn xe hạng C1 là 8 học viên.
Việc phân bổ thời gian và quãng đường tập lái sẽ được tính riêng cho từng học viên, trong khi thời gian tập trên sân được tính cho cả nhóm.
Học viên sẽ trải qua kỳ kiểm tra cuối khóa tại chính cơ sở đào tạo với hai nội dung bắt buộc gồm lý thuyết: Sử dụng bộ câu hỏi sát hạch và phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông theo quy định thống nhất của Bộ Công an.
Thực hành: Gồm phần lái xe liên hoàn trong sân và lái trên đường thực tế.
Chỉ những học viên đạt yêu cầu cả về lý thuyết lẫn thực hành mới được công nhận hoàn thành khóa học, tương ứng với hạng giấy phép lái xe đăng ký.
Theo ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, Thông tư 14/2025 đã có nhiều điều chỉnh kỹ thuật nhằm giảm thiểu áp lực cho cơ sở đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Một điểm mới đáng chú ý là việc cho phép học viên sử dụng cabin điện tử ngay sau khi hoàn thành phần lý thuyết cơ bản (gồm số nóng và số nguội), thay vì phải học xong phần sa hình như trước đây.
Quy định này giúp các trung tâm đào tạo phân bổ thời gian hợp lý hơn, giảm thiểu áp lực đầu tư thiết bị, đặc biệt là với các đơn vị có lượng học viên lớn.
Một cải tiến quan trọng khác là việc điều chỉnh quy định về học thực hành lái xe trên đường cao tốc. Trước đây, yêu cầu học trên cao tốc thực tế là bắt buộc, tuy nhiên, nhiều địa phương không có tuyến cao tốc, dẫn đến khó khăn trong triển khai.
Thông tư mới cho phép các nội dung này có thể được thực hiện qua cabin điện tử hoặc trên thực địa nếu địa phương có tuyến cao tốc.
Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo vẫn phải bảo đảm đủ thời lượng và số km thực hành theo quy định. Toàn bộ quá trình học thực hành đều được ghi nhận và giám sát qua hệ thống DAT, thiết bị theo dõi thời gian và hành trình học lái xe, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.