Quy định mới về chế độ nghỉ phép hằng năm của quân nhân?
Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định mới về chế độ nghỉ phép hằng năm của quân nhân?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Thông tư số 56/2025/TT-BQP ngày 26-6-2025 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Cụ thể như sau:
1. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hằng năm, thời gian nghỉ tương ứng số năm công tác như sau:
a) Dưới 15 năm công tác: Được nghỉ 20 ngày;
b) Từ đủ 15 năm đến dưới 25 năm công tác: Được nghỉ 25 ngày;
c) Từ đủ 25 năm công tác trở lên: Được nghỉ 30 ngày.
2. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng đóng quân ở đơn vị xa nơi đăng ký nghỉ phép (nơi cư trú của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng), khi nghỉ phép hằng năm được nghỉ thêm:
a) 10 ngày đối với một trong các trường hợp sau: Đơn vị đóng quân cách nơi đăng ký nghỉ phép từ 500km trở lên; đóng quân ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách nơi đăng ký nghỉ phép từ 300km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK.
b) 5 ngày đối với một trong các trường hợp sau: Đơn vị đóng quân cách nơi đăng ký nghỉ phép từ 300km đến dưới 500km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách nơi đăng ký nghỉ phép từ 200km đến dưới 300km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực.
3. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm lập kế hoạch nghỉ phép cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; căn cứ tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị để xác định tỷ lệ nghỉ cho phù hợp, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các học viện, nhà trường bố trí cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ phép chủ yếu trong thời gian học viên nghỉ hè.
* Hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định về hoạt động phản biện xã hội của Hội đồng quân nhân (HĐQN)?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 35 Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31-12-2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Hoạt động phản biện xã hội của HĐQN là hoạt động tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản của các cơ quan chức năng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong cơ quan, đơn vị.
2. Căn cứ tính chất của nội dung văn bản dự thảo của cơ quan chức năng và người chỉ huy cơ quan, đơn vị, HĐQN phối hợp với ban chấp hành các tổ chức quần chúng cùng cấp tổ chức hội nghị tập thể quân nhân để tham gia ý kiến hoặc gửi dự thảo văn bản đến từng cá nhân để lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến tham gia và báo cáo cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị để xem xét, quyết định gửi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu.
3. HĐQN có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và thông báo việc tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đối với ý kiến tham gia của tập thể quân nhân.