Quy định của pháp luật về xét giảm án phạt cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ là một trong các hình phạt đối với người phạm tội được quy định tại Điều 36, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hiểu và nắm vững các quy định về xét giảm thời gian chấp hành án cải tạo không giam giữ là một trong các điều kiện để giúp đơn vị quản lý, người đang chấp hành án làm tốt công tác thi hành án, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng xét giảm thời gian chấp hành án phạt cải tạo án cải tạo không giam giữ theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Điều 102, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ như sau:

1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được 1/3 thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt;

b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;

c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.

2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 1 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 3 tháng đến 9 tháng.

3. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là 1/2 mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là 2/5 mức án.

4. Người chấp hành án đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 1 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là 2/5 mức án.

5. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được 2/5 mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.

Đại úy Ngô Văn Hưng (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 1 BĐBP)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-xet-giam-an-phat-cai-tao-khong-giam-giu-post484463.html
Zalo