Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng - Đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Bộ Chính trị vừa ban hành đang được dư luận quan tâm. Quy định đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi cả về phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.

 Đồng chí Phạm Ngọc Khôi (bên trái), nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang trao đổi về Quy định số 144.

Đồng chí Phạm Ngọc Khôi (bên trái), nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang trao đổi về Quy định số 144.

Yêu nước, trọng dân

Quy định số 144 ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được ban hành căn cứ theo Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhằm quản lý tốt đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước đây, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định cụ thể, trong đó có Quy định số 47 ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; sau đó được thay thế bằng Quy định số 37 ngày 25/10/2021. Quy định số 144 của Bộ Chính trị mới được ban hành đề cập đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên mang tính toàn diện, sâu rộng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trước hết, cán bộ, đảng viên phải yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Đồng chí Phạm Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) tâm đắc nói: “Hiện nay, các đối tượng xấu luôn tìm cách gây mất đoàn kết nội bộ, từ đó làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống không lành mạnh, xa rời quần chúng. Bởi vậy, thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện bản thân, nêu cao tinh thần yêu nước, gần gũi, gắn bó với nhân dân”.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng cũng đã đặt ra yêu cầu rất rõ ràng đối với mỗi cán bộ, đảng viên là “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đây cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân. Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới không chỉ trung thành, tận tụy, tận tâm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân mà còn đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ, năng lực công tác tốt, đáp ứng mọi công việc được giao. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Theo đồng chí Khổng Đức Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang, Quy định của Bộ Chính trị lần này có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó coi trọng tinh thần nói thẳng, nói thật, không ngại hy sinh gian khổ, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều này rất phù hợp với yêu cầu từ thực tế trong bối cảnh nước ta đang tập trung cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nêu cao lòng tự trọng, danh dự

Quy định của Bộ Chính trị vừa ban hành đề ra yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đủ đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong đó, đề cao tính trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Đặc biệt, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên. Đồng chí Phạm Ngọc Khôi, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang bày tỏ: “Thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, bị khởi tố, khai trừ ra khỏi Đảng, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng và bản thân. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên quan tâm giáo dục mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng. Việc quy định mỗi cán bộ, đảng viên không được để gia đình mình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi là rất cần thiết”.

Được nghiên cứu, quán triệt Quy định này, nhiều người cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà một số cán bộ vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam, một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Từ đó khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ; công việc ách tắc. Bộ Chính trị ban hành quy định nhấn mạnh về tinh thần kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết, kịp thời. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu trong công tác và sinh hoạt hằng ngày theo nguyên tắc cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng. Mặt khác, tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo động lực, nêu gương để quần chúng noi theo.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quy-dinh-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-de-cao-su-guong-mau-cua-can-bo-dang-vien-100346.bbg
Zalo