Quốc vương Malaysia 'cân não' chọn ra thủ tướng mới

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đang trở thành tâm điểm khi ông sẽ là người lựa chọn thủ tướng tiếp theo của đất nước, trong bối cảnh cuộc bầu cử không tìm ra có đảng nào chiếm đa số trong quốc hội và đàm phán liên minh giữa các đảng thất bại.

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah. Ảnh: Bernama

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah. Ảnh: Bernama

Reuters đưa tin, Quốc vương Al-Sultan Abdullah ngày 22/11 cho biết ông sẽ "sớm" quyết định giữa lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim và cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin trở thành thủ tướng mới của Malaysia, sau khi hai chính trị gia này bỏ lỡ hạn chót thành lập một liên minh với các đảng khác để lập chính phủ vào chiều ngày 22/11.

Theo kết quả cuộc bỏ phiếu cuối tuần trước, liên minh của ông Anwar đã giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử cuối tuần trước với 82 vị trí, trong khi khối của ông Muhyiddin giành được 73 vị trí. Tuy nhiên, để thành lập chính phủ, họ phải giành được đa số là 112 ghế.

Do vậy, đây sẽ là lần thứ ba trong vòng hơn 2 năm mà Quốc vương Malaysia phải đưa ra lựa chọn người trở thành thủ tướng và là lần đầu tiên xảy ra sau một cuộc bầu cử.

Quốc vương Malaysia là ai

Malaysia là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó các vị vua lần lượt được chọn từ các gia đình hoàng gia của 9 bang và mỗi người trị vì trong một nhiệm kỳ 5 năm.

Quốc vương Al-Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah, sinh năm 1959, lên ngôi vào năm 2019 ở tuổi 60, sau khi vị vua trước bất ngờ thoái vị. Ông trở thành Quốc vương thứ 16 của Malaysia, kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh năm 1957.

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah lên ngôi vào năm 2019 sau khi người tiền nhiệm thoái vị. Ảnh: Reuters

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah lên ngôi vào năm 2019 sau khi người tiền nhiệm thoái vị. Ảnh: Reuters

Ông từng theo học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst ở Anh. Hồi còn trẻ, ông là một người đam mê thể thao và đã từng đại diện cho bang của mình trong các trận đấu bóng đá. Ông từng là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia, thành viên trong Ủy ban điều hành FIFA và là Chủ tịch của Liên đoàn khúc côn cầu châu Á.

Từng là người đứng đầu bang Pahang ở phía đông Malaysia, Quốc vương Al-Sultan Abdullah đã giành được sự yêu mến của mọi người vì những hành động quan tâm và giúp đỡ dân chúng.

Sự lựa chọn của Quốc vương Malaysia

Thông thường, kết quả của các cuộc bầu cử toàn quốc sẽ quyết định chính trị gia nào sẽ là thủ tướng Malaysia. Tuy nhiên, Hiến pháp Malaysia cũng trao cho các vị vua quyền bổ nhiệm một thủ tướng mà họ tin rằng có thể chỉ huy đa số trong số các nhà lập pháp.

Trên thực tế, các vị vua Malaysia hiếm khi sử dụng quyền lực đó, nhưng sự bất ổn chính trị trong 2 năm qua đã khiến Quốc vương Al-Sultan Abdullah phải chọn thủ tướng.

Quốc vương Malaysia có quyền bổ nhiệm thủ tướng cho đất nước. Ảnh: Reuters

Quốc vương Malaysia có quyền bổ nhiệm thủ tướng cho đất nước. Ảnh: Reuters

Chế độ quân chủ tại Malaysia đã đóng vai trò ảnh hưởng hơn kể từ năm 2020, trong bối cảnh liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN) và đảng lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) không còn duy trì sức ảnh hưởng mạnh mẽ.

Liên minh BN đã lãnh đạo tất cả chính phủ Malaysia kể từ khi độc lập vào năm 1957, cho đến khi nhận thất bại đầu tiên trong cuộc bầu cử vào năm 2018. Trong cuộc bầu cử mới đây, BN chỉ giành được 30 ghế - kết quả tệ nhất của họ. Tuy nhiên, BN cho biết, sẽ không liên kết với một trong hai liên minh của phe đối lập Anwar Ibrahim và cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin.

Điều này đã từng xảy ra trước đây chưa

Trước đó, Quốc vương Al-Sultan Abdullah đã từng 2 lần bổ nhiệm thủ tướng. Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên ông thực hiện điều này sau một cuộc bầu cử toàn quốc vẫn không xác định rõ được ứng viên chiến thắng.

Hồi tháng 2/2020, vị vua này từng bổ nhiệm ông Muhyiddin Yassin làm Thủ tướng Malaysia, sau khi thủ tướng đương nhiệm khi đó là ông Mahathir Mohamad từ chức vì mâu thuẫn nội bộ trong liên minh.

Vào thời điểm đó, ông Al-Sultan Abdullah đã tổ chức cuộc họp bất thường với tất cả 222 nhà lập pháp của đất nước để xác định người được đa số bầu chọn để thành lập chính phủ mới. Cuối cùng ông đã lựa chọn cựu đồng minh của ông Mahathir là Muhyiddin Yassin là Thủ tướng.

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob - người tuyên bố giải tán quốc hội Malaysia hồi tháng 10. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob - người tuyên bố giải tán quốc hội Malaysia hồi tháng 10. Ảnh: Bernama

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, ông Muhyiddin đã tuyên bố từ chức Thủ tướng vào chiều 16/8/2021, vì không còn sự ủng hộ đa số trong Hạ viện Malaysia. Quyết định này của ông đã để lại phía sau một đất nước đối mặt với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 chưa được dập tắt.

Ngay sau đó, Quốc vương Malaysia đã yêu cầu các nhà lập pháp gửi thư ủy nhiệm người mà họ ủng hộ và quyết định bổ nhiệm ông Ismail Sabri Yaakob làm Thủ tướng - người đã nắm quyền cho đến cuộc bầu cử gần đây.

Thủ tướng tiếp theo của Malaysia là ai

Theo kế hoạch, Quốc vương Al-Sultan Abdullah gặp mặt 30 nhà lập pháp thuộc liên minh đương nhiệm Barisan Nasional vào lúc 10h30 sáng nay ngày 23/11. Các nhà lập pháp sẽ giúp Quốc vương quyết định ai là Thủ tướng mới của đất nước.

Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim và cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Ảnh: Thestar

Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim và cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Ảnh: Thestar

Trước đó, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết nhà vua đã gợi ý rằng ông và lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim nên cùng nhau thành lập một "chính phủ đoàn kết". Tuy nhiên, ông này đã từ chối.

Trong lúc này, dù bất kỳ ai được lựa chọn trở thành Thủ tướng tiếp theo của Malaysia, người đó đều phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm tình hình chính trị trong nước bất ổn, kinh tế trước đà suy thoái vì tỷ lệ lạm phát cao.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-vuong-malaysia-can-nao-chon-ra-thu-tuong-moi-post14614.html
Zalo