Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, chiều 26.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, với 455/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội.

Không bắt buộc các trường hợp đều bắt buộc phải lập 3 cấp quy hoạch

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương và 59 điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Luật này quy định quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới, huyện, xã và khu chức năng là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia được xác định trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.

Quy hoạch phân khu được lập cho các trường hợp gồm: khu vực theo yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định trong đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II; khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, có quy mô diện tích, yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định; khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai.

 Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Hồ Long

Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Hồ Long

Quy hoạch chi tiết được lập cho các trường hợp gồm: khu vực có quy mô diện tích, yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định thuộc quy hoạch phân khu đã được phê duyệt hoặc thuộc quy hoạch chung đã được phê duyệt; cụm công nghiệp; khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu giá quyền sử dụng đất; khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được xác định, hình thành theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoặc chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định, thời hạn quy hoạch phân khu được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch chung và theo yêu cầu quản lý, phát triển và theo quy định của Chính phủ.

Thời hạn quy hoạch chi tiết được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung đối với trường hợp không lập quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, phát triển. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền chấm dứt theo quy định của pháp luật có liên quan thì quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng hết hiệu lực.

 Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật quy định gồm các nguồn lực: kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; kinh phí tài trợ được thu vào ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; kết quả nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, được cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tiếp nhận; nguồn tài trợ giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng quy hoạch đô thị và nông thôn được lựa chọn trên cơ sở kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch tổ chức; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo trong nước và nước ngoài.

Luật cũng quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Theo đó, phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tự nguyện, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, không vụ lợi; tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài không tài trợ, thanh toán kinh phí trực tiếp cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Chính phủ sẽ quy định việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 11 của Luật.

Không quy định "cứng" thời gian hoàn thành quy định phân khu

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về quy định các trường hợp lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (Điều 3) và thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị (Điều 25), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, cũng như quán triệt tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa quy định theo hướng mở, không bắt buộc tất cả các trường hợp đều phải lập đủ 3 cấp độ quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên cơ sở về quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch, yêu cầu quản lý, phát triển.

Trên cơ sở Điều 3 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa và ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nếu quy định thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu là 6 tháng sẽ khó khả thi. Do đó, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 25 về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về các trường hợp không lập quy hoạch phân khu vì ngoài các trường hợp lập quy hoạch phân khu quy định tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Luật thì các trường hợp còn lại không phải lập quy hoạch phân khu; lược bỏ quy định lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật có liên quan, giữ quy định về lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Lược bỏ quy định về lập quy hoạch chi tiết đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Về việc báo cáo HĐND trước khi phê duyệt quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm rõ ràng về trách nhiệm phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng không yêu cầu UBND phải “báo cáo” HĐND trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã do UBND các cấp tổ chức lập và quy hoạch chung do Bộ Xây dựng tổ chức lập.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khoản 7 Điều 57 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tương ứng quy định về thẩm quyền của HĐND các cấp đối với quy hoạch đô thị và nông thôn tại điểm e khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 40 và khoản 2 Điều 54 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Trong đó, tại khoản 7, Điều 57 quy định sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng, HĐND cấp tỉnh quyết định việc liên kết kinh tế vùng giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-post397529.html
Zalo