Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi
Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV hứa hẹn tạo đột phá cho đầu tư công.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) bao gồm bảy chương, 103 điều, quy định quản lý nhà nước về đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật có năm nhóm chính sách lớn, bao gồm nhóm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã cho phép áp dụng; nhóm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn vay ODA, vốn vay nước ngoài và nhóm đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư công.
Luật cũng quy định năm nguyên tắc đầu tư công, bao gồm tuân thủ quy định pháp luật; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch; thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan; quản lý sử dụng vốn đầu tư công đúng quy định với từng nguồn vốn; đảm bảo đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả với khả năng cần đối nguồn lực; không thất thoát, lãng phí và đảm bảo công khai, minh bạch.
Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương hợp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm các hành vi vụ lợi, tham nhũng, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến đầu tư công.
Một điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là cho phép tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập với tất cả các nhóm dự án, thay vì chỉ dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia theo như luật cũ.
Chính sách này nhằm tối ưu hóa thời gian thực hiện dự án khi việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể được triển khai sớm, không cần chờ đến khi phê duyệt quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng cho phép đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án ODA thông qua việc cho phép hưởng quy trình như dự án khẩn cấp trong nước. Như vậy, những dự án ODA có quan trọng, có tác động lan tỏa cao sẽ được phê duyệt và triển khai sớm, thay vì đợi đến khi ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Một số điểm mới khác có thể kể đến như cho phép dùng nguồn chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án, nâng quy mô vốn đầu tư công đối với các nhóm dự án, cho phép doanh nghiệp nhà nước làm chủ quản thực hiện dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ… cũng hứa hẹn tháo gỡ những tắc nghẽn, khơi thông nguồn lực đầu tư công.