Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chiều 29-11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận có 16 lượt đại biểu phát biểu. Đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung được trình bày tại tờ trình và báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, điều ước quốc tế; nguyên tắc, quản lý và đầu tư vốn nhà nước, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.
Quyết định công tác nhân sự; phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ; nguồn vốn nhà nước đầu tư; phạm vi đầu tư vốn; hình thức đầu tư vốn nhà nước; đầu tư bổ sung vốn; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư; giải thể doanh nghiệp...
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thảo luận tại tổ trước đó, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án luật còn nhằm tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự án luật cũng có nhiều điểm mới hơn so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành. Về cơ bản, nội dung dự án luật đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Thanh Hải (ghi)