Quốc hội Mỹ 'thổi lửa' vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc

Một ủy ban quốc hội Mỹ đã đề xuất sáng kiến theo phong cách 'Dự án Manhattan' nhằm thúc đẩy tài trợ cho việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo thông minh tương đương hoặc hơn con người.

Dự án Manhattan là sự hợp tác quy mô lớn giữa chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân trong Thế chiến thứ hai đã sản xuất ra những quả bom nguyên tử đầu tiên.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) nhấn mạnh quan hệ đối tác công tư là chìa khóa để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI), tương tự như dự án Manhattan mà nước này từng triển khai - ám chỉ việc thắt chặt hợp tác quy mô lớn giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

"Chúng ta đã thấy trong suốt lịch sử rằng các quốc gia đầu tiên tận dụng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thường tạo ra thay đổi lớn trong cán cân quyền lực toàn cầu", Jacob Helberg, một ủy viên USCC và cố vấn cấp cao cho giám đốc điều hành của công ty phần mềm Palantir nói.

Mỹ kêu gọi nỗ lực phối hợp công - tư phát triển AI cạnh tranh với Trung Quốc. Ảnh: iTnews

Mỹ kêu gọi nỗ lực phối hợp công - tư phát triển AI cạnh tranh với Trung Quốc. Ảnh: iTnews

Lưu ý rằng cơ sở hạ tầng năng lượng là nút thắt quan trọng đối với việc đào tạo các mô hình AI lớn, Helberg gợi ý việc hợp lý hóa quy trình cấp phép cho các trung tâm dữ liệu có thể là một ví dụ về cách quan hệ đối tác công tư có thể đẩy nhanh quá trình phát triển AI.

Tuần trước, OpenAI đã đề xuất kế hoạch triển khai chiến lược AI của Mỹ, đang kêu gọi chính phủ tăng trợ cấp cho lĩnh vực này.

USCC, được Quốc hội thành lập vào năm 2000, đưa ra các khuyến nghị hàng năm về quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Được biết đến với các đề xuất chính sách cứng rắn, ủy ban này nhằm mục đích hướng dẫn các nhà lập pháp về các vấn đề cạnh tranh kinh tế và chiến lược với Trung Quốc.

Các khuyến nghị khác trong báo cáo của USCC năm nay bao gồm bãi bỏ miễn trừ thương mại cho phép hàng hóa Trung Quốc dưới 800 USD được miễn thuế với thủ tục giấy tờ và kiểm tra tối thiểu; chấm dứt chế độ ưu đãi về thu nhập từ vốn liên quan đến các công ty Trung Quốc trong danh sách theo dõi của chính phủ và yêu cầu chấp thuận sự tham gia của Trung Quốc vào các công ty công nghệ sinh học hoạt động tại Mỹ.

Ủy viên Kimberly Glas thông tin, việc loại bỏ ngay lập tức chế độ miễn trừ đối với hàng hóa thương mại điện tử là một trong những khuyến nghị quan trọng nhất từ hội đồng, vì khối lượng lớn các gói hàng khiến Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới khó có thể ngăn chặn dòng sản phẩm nguy hiểm vào Mỹ, bao gồm cả hóa chất fentanyl và máy ép thuốc.

“Đó là 4 triệu hộp mỗi ngày, ước tính 1,4 tỷ USD hàng hóa được miễn trừ trong năm qua - theo số liệu của hải quan”, Glas nói. "Không thể kiểm soát được những gì trong những hộp đó. Vào những năm 1930, chế độ miễn trừ thương mại được tạo ra để chúng ta có thể mang đồ trang sức từ nước ngoài về và không phải trả thuế. Trong môi trường thương mại điện tử, nó đã trở thành một kênh để các sản phẩm của Trung Quốc được miễn thuế, không cần kiểm tra”.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng an ninh mạng “chia sẻ tương lai”. Phát biểu qua video gửi tới hội nghị Internet thường niên đang tổ chức tại Chiết Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này theo đuổi đường lối phát triển không gian mạng an toàn và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để “xây dựng cộng đồng vì tương lai chung trong không gian mạng”.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-my-thoi-lua-vao-cuoc-dua-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-voi-trung-quoc-2343912.html
Zalo