Quốc hội chốt nâng quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng

Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định nâng mức vốn đầu tư với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, gấp 3 lần quy định hiện hành, nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật.

Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đầu tư công (sửa đổi), với 441/448 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương, 103 Điều; quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Nâng mức vốn dự án quan trọng quốc gia lên 3 lần

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, ông Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh tăng 2 lần để tương đồng với các nhóm dự án A, B, C.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải thích rằng, thực tế, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997. Đến nay, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013; nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Do vậy, việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật.

Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận. Với tinh thần đó, UBTVQH xin được giữ như phương án Chính phủ trình.

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án

Một trong những thay đổi lớn trong Luật đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C. Theo đó, UBND các cấp tỉnh, huyện và xã được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Đồng thời được quyết định các dự án nhóm B, nhóm C thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Riêng UBND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. UBND cấp huyện được quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nếu được đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND do đây là thay đổi lớn. Trong khi một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp nhằm giảm thủ tục hành chính.

Về việc này, UBTVQH nhìn nhận theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ từ thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND cùng cấp. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, dự thảo luật đã bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đi đôi với trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-chot-nang-quy-mo-von-du-an-quan-trong-quoc-gia-len-30000-ty-dong-36123.html
Zalo