Quên Đức đi, đây mới là động lực kinh tế mới của châu Âu; ý kiến trái chiều từ 'cơn sốt Địa Trung Hải' mang tên 'khách du lịch Mỹ'

Những du khách Mỹ chi tiêu thoải mái đang thúc đẩy du lịch bùng nổ mạnh mẽ ở miền Nam châu Âu, làm đảo lộn sức mạnh kinh tế ở khu vực.

Các quán bar, nhà hàng và khách sạn ở Lisbon, một thành phố tại châu Âu, chật kín khách du lịch, đa số là người Mỹ. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Các quán bar, nhà hàng và khách sạn ở Lisbon, một thành phố tại châu Âu, chật kín khách du lịch, đa số là người Mỹ. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Du khách Mỹ đổ xô đến Lisbon

Tại các quán bar, khách sạn và nhà hàng nằm dọc những con đường lát đá cuội quanh co ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, hoạt động kinh doanh tốt đến mức Thị trưởng Carlos Moedas của thành phố này gần đây đã cắt giảm thuế thu nhập địa phương cho người dân. Với mức tăng trưởng kinh tế 8,2% vào năm ngoái và doanh thu thuế tăng 20% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, ông cũng đã ký quyết định miễn phí giao thông công cộng cho trẻ em và người già.

Mặt tiền những ngôi nhà có tuổi đời hàng thế kỷ đang được đánh bóng lại sau nhiều năm bị bỏ quên. Thành phố cũng đang lên kế hoạch xây dựng một sân bay mới, có quy mô gấp đôi sân bay hiện tại và một tuyến đường sắt cao tốc chỉ mất 3 giờ chạy để tới thủ đô Madrid ở quốc gia láng giềng Tây Ban Nha. Mùa Thu này, Lisbon sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan phim Tribeca.

Với sự bùng nổ lượng du khách ghé thăm, giá thuê phòng nghỉ trong thành phố đang tăng lên và đầu tư cho du lịch tăng tốc. Ông Gonçalo Dias, Giám đốc và đồng sở hữu của Ivens, một khách sạn có giá 1.000 USD một đêm ở trung tâm thành phố Lisbon, cho biết có kế hoạch bổ sung một câu lạc bộ nhạc jazz ở tầng hầm. Hơn một nửa số khách tới khách sạn của ông đến từ nước Mỹ.

Ông hào hứng nói: “Thời gian tuyệt vời. Khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong 45 năm qua. Thật là điên rồ".

Cơn sốt Địa Trung Hải

Trên khắp miền Nam châu Âu, sự bùng nổ du lịch chưa từng có do du khách Mỹ đang thúc đẩy tăng trưởng ở những nơi từng bị coi là điển hình cho sự trì trệ kinh tế, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và lấp đầy kho bạc của các chính phủ đang ngập nỗi lo nợ công.

Ngay cả khi một số người lo ngại sự bùng nổ du lịch có thể tạo ra những vấn đề khác, thì cơn sốt Địa Trung Hải đang làm thay đổi lịch sử kinh tế của châu Âu. Trong những năm 2010, Đức và các nền kinh tế thiên về sản xuất khác đã giúp lục địa này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nhờ xuất khẩu ô tô và tư liệu sản xuất tăng mạnh, đặc biệt là sang Trung Quốc.

Ngày nay, những nước ở miền Nam châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đóng góp từ một phần tư đến một nửa mức tăng trưởng hằng năm của EU.

Trong khi tăng trưởng Đức đang đi ngang thì Tây Ban Nha lại là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất châu Âu. Gần 3/4 mức tăng trưởng gần đây của đất nước và 1/4 việc làm mới có liên quan đến du lịch. Ở Hy Lạp, có tới 44% tổng số việc làm liên quan đến du lịch.

Trong ngắn hạn, người ta có thể nhìn thấy triển vọng sáng sủa từ sự tăng trưởng du lịch này. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế, người dân và chính trị gia lo ngại về tác động lâu dài của sự bùng nổ.

Tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác đang tăng lên ở những điểm nóng du lịch, khiến nhiều người dân địa phương gặp khó khăn hơn trong công việc. Sự tập trung cao độ vào du lịch, vốn mang lại lợi nhuận nhanh chóng nhưng vẫn là hoạt động có năng suất thấp, ràng buộc các nền kinh tế này với một ngành có tính chu kỳ cao. Nó cũng có nguy cơ cản trở người lao động và vốn đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời nhiều hơn, như công nghệ và sản xuất cao cấp.

Liệu “nền kinh tế bảo tàng” mới nổi của châu Âu có thể hỗ trợ việc tạo ra của cải bền vững và hệ thống phúc lợi mở rộng mà họ đã quen thuộc kể từ khi kết thúc Thế chiến II không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD giảm giá và khách du lịch rời đi?

Động lực kinh tế mới

Bồ Đào Nha, một quốc gia có 10 triệu dân, nằm sát Bắc Đại Tây Dương, gần đây đã trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch nước ngoài, nhất là người Mỹ.

Bà Ameshia Cross, chiến lược gia chính trị tại Washington, D.C., khi đến thăm Bồ Đào Nha lần đầu tiên, cho biết: “Theo nghĩa đen, đối với người Mỹ hiện nay, đó là nơi để đến”.

Đồng USD mạnh - và sự phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 - đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người Mỹ móc hầu bao chi trả cho một kỳ nghỉ xa hoa ở châu Âu.

Du lịch hiện tạo ra 1/5 sản lượng kinh tế ở Lisbon và hỗ trợ 1/4 số lượng việc làm. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bồ Đào Nha đã tăng gần 8% từ năm 2019 đến năm 2024, so với mức dưới 1% của Đức.

Chính phủ ghi nhận thặng dư ngân sách hiếm hoi ở mức 1,2% GDP vào năm ngoái và tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến sẽ giảm xuống 95% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2009. Dân số nước này đang tăng trưởng trở lại sau nhiều năm suy giảm, một phần nhờ vào làn sóng lao động nhập cư và các ưu đãi thuế hay thị thực đã thu hút người lao động có tay nghề cao.

Khẳng định du lịch vẫn còn dư địa để phát triển hơn nữa, Thị trưởng Lisbon cho biết, mỗi ngày, thành phố này chỉ có khoảng 35.000 khách du lịch, trong khi dân số khoảng một triệu người. Ông nói: “Chúng ta đang ở rất xa tình trạng được gọi là du lịch quá mức”.

Khủng hoảng kinh tế mở đường cho du lịch

Xu hướng này là một phần của quá trình điều chỉnh toàn cầu sau lệnh phong tỏa vì Covid-19. Theo Oxford Economics, chi tiêu cho du lịch và khách sạn trên toàn thế giới tăng nhanh hơn khoảng 7 lần so với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm qua. Mô hình đó dự kiến sẽ tiếp tục trong thập niên tới, mặc dù ở mức độ thấp hơn.

Châu Âu, đặc biệt là Nam Âu, được hưởng lợi hơn nhiều khu vực khác. Mặc dù chỉ là nơi sinh sống của 5% dân số thế giới nhưng EU đã nhận được khoảng 1/3 tổng doanh thu du lịch quốc tế, ở mức hơn nửa nghìn tỷ USD, vào năm ngoái. Con số này tăng gần gấp 3 lần trong hai thập niên và so với khoảng 150 tỷ USD của Mỹ, nơi ngành du lịch phục hồi chậm hơn.

Một lý do là cuộc khủng hoảng nợ công tàn khốc đã ảnh hưởng nặng nề đến miền Nam lục địa hơn một thập niên trước. Không thể kích thích nhu cầu bằng chi tiêu công hoặc thúc đẩy xuất khẩu bằng cách phá giá đồng tiền đồng Euro, những quốc gia này chỉ có thể tăng cường khả năng cạnh tranh bằng cách giảm lương. Điều này và sự sụp đổ của bất động sản khiến ngành du lịch trong khu vực trở nên cực kỳ cạnh tranh với chi phí rẻ hơn nhiều so với các điểm đến trên bãi biển Caribbean và ngang bằng với các điểm đến ở Mỹ Latinh như Mexico.

Đối với Bồ Đào Nha, còn có một lý do khác ít được biết đến khiến cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro hóa ra lại là một lợi ích bất ngờ. Khi đất nước được giải cứu bằng gói cứu trợ trị giá 78 tỷ Euro vào năm 2011 (khoảng 115,5 tỷ USD vào thời điểm đó), chính phủ đã đồng ý huy động tiền bằng cách tư nhân hóa TAP Air Portugal - hãng hàng không quốc gia đang gặp khó khăn. Chính phủ nước này đã bán cổ phần kiểm soát TAP Air Portugal cho tập đoàn JetBlue do David Neeleman đồng sáng lập.

Ông Neeleman nói: “Tôi sinh ra ở Brazil, nói tiếng Bồ Đào Nha nhưng chưa bao giờ đến Bồ Đào Nha. Tôi không biết ai đã từng đến Bồ Đào Nha… Thật bất tiện khi mọi người không làm điều đó”.

Là chủ sở hữu của TAP, Neeleman đã tăng số lượng chuyến bay thẳng đến Mỹ lên gấp 8 lần từ năm 2015 đến năm 2020, bổ sung các trung tâm lớn như JFK và Boston Logan, đặt cược rằng điều đó sẽ mở ra một thị trường chưa được khai thác. Khi lượng đặt chỗ tăng vọt, các hãng hàng không khác của Mỹ cũng theo sau.

Doanh nhân này nói: “Điều đó thực sự hài hước, bởi vì tôi từ chỗ không biết ai đã từng đến Bồ Đào Nha đến việc mọi người đều nói với tôi rằng họ sẽ đến Bồ Đào Nha”.

Dấu hiệu bất mãn

Đối với Gonçalo Hall, một nhân viên công nghệ 36 tuổi, dòng tiền từ du khách nước ngoài đổ vào đã biến đổi Lisbon, mang lại lợi ích to lớn cho thành phố. Ở thời điểm 15 năm trước, tại Lisbon, anh sẽ không đi bộ trong khu trung tâm lịch sử sau 8h tối, bởi “đầy những người vô gia cư, không an toàn. Rất nhiều tòa nhà trống rỗng và bị bỏ hoang”.

Du khách tham quan Hy Lạp. (Nguồn: The Borgen Project)

Du khách tham quan Hy Lạp. (Nguồn: The Borgen Project)

Mặc dù vậy, sự bùng nổ du lịch đã gây ra những bất lợi cho anh và những người dân địa phương khác - trong đó tác động trực tiếp nhất là chi phí sinh hoạt tăng cao.

Hall cho biết: “Chất lượng cuộc sống ở Lisbon không tương xứng với giá cả. Ngay cả những người nước ngoài cũng đang rời đi”.

Một nhân viên người Bồ Đào Nha trung bình kiếm được khoảng 1.000 Euro một tháng sau thuế, hoặc khoảng 1.100 USD một tháng và chỉ 2% người dân kiếm được hơn 2.000 Euro. Trong khi đó, phải mất hơn 500.000 Euro để mua căn hộ một phòng ngủ ở Lisbon hoặc hơn 1.200 Euro một tháng để thuê. Giá thuê ở các thành phố lân cận cũng tăng lên khi người dân rời khỏi thủ đô, bị vắt kiệt sức khi dịch vụ cho thuê ngắn hạn sinh lợi làm thay đổi thị trường nhà ở.

Nhiều người phàn nàn rằng, người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc bùng nổ du lịch là các công ty Mỹ, từ Airbnb đến Uber, thường chỉ phải trả một khoản thuế ít ỏi ở những nơi họ hoạt động kinh doanh.

Lisbon đang “siết” quản lý Airbnb và tăng thuế đối với khách du lịch, từ 2 Euro lên 4 Euro, dự kiến tăng thêm 80 triệu Euro mỗi năm. Airbnb đã trả cho Lisbon và Porto, hai thành phố lớn nhất của Bồ Đào Nha, hơn 63 triệu Euro sau khi ký kết thỏa thuận thu thuế tự nguyện.

Thị trưởng Lisbon Moedas cho biết, đang xem xét "thêm một số quy định" đối với các tài xế Uber.

Đối với nhiều người dân, các biện pháp khắc phục của chính phủ chưa đủ hiệu quả. Rita Silva, một nhà vận động và nghiên cứu nhà ở cho biết: “Tất cả thành phố đều phụ thuộc vào du lịch”.

Theo bà, giá thuê cao hơn đang buộc nhiều doanh nghiệp và không gian văn hóa, xã hội phục vụ người dân địa phương phải đóng cửa. Bà nói: “Đây không phải là một nền kinh tế phục vụ nhu cầu của đa số người dân”.

Dấu hiệu bất mãn đang nổi lên khắp khu vực. Hàng chục ngàn cư dân địa phương đã tuần hành ở quần đảo Balearic và Canary của Tây Ban Nha trong những tháng gần đây để phản đối tình trạng du lịch đại chúng quá tải. Tại Mallorca, các nhà hoạt động đã treo biển giả tại một số bãi biển nổi tiếng để cảnh báo bằng tiếng Anh về nguy cơ đá rơi hoặc sứa nguy hiểm để ngăn cản khách du lịch, theo các bài đăng trên mạng xã hội.

“Bệnh bãi biển”

Một số nhà kinh tế và những người khác lo ngại du lịch phát triển có thể làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế hiện tại của châu Âu.

Họ cho rằng, việc phục vụ người nước ngoài khó mở rộng quy mô và dễ gặp phải những khó khăn kinh tế hơn. Giống như việc phát hiện dầu mỏ, trọng tâm mới của Nam Âu vào du lịch có thể lấn át các hoạt động có giá trị cao hơn bằng cách hút vốn và nhân công - một hiện tượng mà một số nhà kinh tế gọi là “bệnh bãi biển”.

Priscila Valadão, trợ lý hành chính 43 tuổi ở Lisbon, cho biết: “Bồ Đào Nha không phải là một nước công nghiệp hóa. Đó chỉ là sân chơi của EU”. Cô kiếm được 905 Euro một tháng và thuê phòng với giá 250 Euro một tháng.

Marcos Carias, nhà kinh tế của công ty bảo hiểm Coface của Pháp, cho biết, đối với các nhà hoạch định chính sách của châu Âu, việc để mọi người mở khách sạn hoặc nhà hàng dễ dàng hơn việc khuyến khích họ xây dựng ngành sản xuất tiên tiến, tốn kém hơn và mất nhiều thời gian để hoàn vốn.

Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng du lịch thu hút vốn đến các vùng nghèo và có thể đóng vai trò là cơ sở để xây dựng một nền kinh tế đa dạng hơn. Thị trưởng Moedas của Lisbon cho biết ông đang cố gắng tận dụng dòng du khách nước ngoài để xây dựng các lĩnh vực như văn hóa và công nghệ, bao gồm cả việc tổ chức các hội nghị và sự kiện văn hóa.

Quan chức này nói: “Một số đảng cực tả về cơ bản nói rằng chúng ta cần giảm du lịch”, nhưng đó là cách tiếp cận sai lầm. “Những gì chúng ta phải làm là tăng cường các lĩnh vực khác như đổi mới, công nghệ… Chúng ta vẫn nên đầu tư vào du lịch nhưng chúng ta nên đi từng bước một”.

Tại Athens của Hy Lạp, Thị trưởng Haris Doukas cho biết ông đang nỗ lực kéo dài mùa du lịch, tăng thời gian lưu trú trung bình và thúc đẩy các loại hình cụ thể, như tổ chức hội nghị, gặp gỡ kinh doanh để thu hút du khách có sức mua cao hơn. Ông cũng kêu gọi áp dụng các loại thuế mới để giúp thành phố đón thêm hàng triệu khách du lịch đổ về cố đô.

Khủng hoảng nguồn nhân lực

Ông Arlindo Ferreira, hiệu trưởng một trường học ở miền Bắc Bồ Đào Nha, cho biết, chi phí sinh hoạt cao hơn và thiếu việc làm lương cao đang khuyến khích nhiều sinh viên Bồ Đào Nha rời khỏi đất nước.

Theo ông, các trường học cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên, “không chỉ vì chi phí sinh hoạt mà họ có thể nhận được mức lương tốt hơn ở các lĩnh vực khác”.

Tiago Aráujo, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp công nghệ du lịch HiJiffy, vẫn giữ nhân viên của mình nhưng cho biết, nhiều người trong số họ đã chuyển khỏi Lisbon. Xu hướng bắt đầu từ thời Covid-19, hiện chủ yếu được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng nhà ở.

Tuy nhiên, sự bùng nổ du lịch đã giúp ích cho công ty của Aráujo. Các khách sạn hiện có thêm nguồn lực để đầu tư vào các dịch vụ của doanh nghiệp này, bao gồm cả chatbot trên Facebook Messenger cho phép khách đặt phòng trực tiếp thay vì thông qua các nền tảng trực tuyến lớn tính phí hoa hồng khổng lồ.

Đối với nhiều người được hưởng lợi từ sự bùng nổ du lịch, sức hấp dẫn của những người Mỹ chi tiêu thoải mái, những người đã giúp mang lại sự chuyển đổi này là quá lớn. Trong khi đó, Dias, một chủ khách sạn, người đang đa dạng hóa các dịch vụ về đêm cho cơ sở của mình, từ chối hình dung về một tương lai nơi lĩnh vực này sẽ phải phụ thuộc nhiều vào du khách từ nơi khác.

Ông nói: “Nếu người Mỹ ngừng đến Lisbon, tôi không nghĩ chúng tôi có thể tính mức giá này vì người châu Âu không có tiền”.

(theo The Wall Street Journal)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quen-duc-di-day-moi-la-dong-luc-kinh-te-moi-cua-chau-au-y-kien-trai-chieu-tu-con-sot-dia-trung-hai-mang-ten-khach-du-lich-my-277335.html
Zalo