Quên 'bảo mật' trong ứng dụng AI: Doanh nghiệp có thể phải trả giá!

Ứng dụng AI mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nhưng cũng mang lại những rủi ro, nếu không bảo mật thông tin hiệu quả.

80% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên môi trường số

Chia sẻ tại Hội thảo: AI và an toàn thông tin trong kỷ nguyên số do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Quỹ châu Á, Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP. Đà Nẵng tổ chức dưới sự đồng hành của Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức vào chiều 24/7, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chuyên gia cao cấp, quản lý Chương trình giới và phát triển xã hội (Quỹ Châu Á tại Việt Nam) cho biết: Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm 90% số lượng các doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch Phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lan Anh

Bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch Phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lan Anh

Tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có tới 80% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa đang triển khai các hoạt động kinh doanh trên môi trường internet, và coi đó là hoạt động thiết yếu, sống còn của doanh nghiệp.

Ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia về an toàn thông tin cho rằng: Không chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và phân tích dữ liệu hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa công việc.

Cụ thể hơn về những lợi ích khi doanh nghiệp ứng dụng AI, ông Trần Ngọc Anh - Chủ tịch sáng lập Câu lạu bộ Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam) - cho rằng: Ứng dụng AI giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, mở rộng thị trường, tối ưu bán hàng; giảm chi phí do tự động hóa quy trình, giảm lỗi sản phẩm; tối ưu nguồn lực do phân bổ nhân sự hiệu quả…

Tuy nhiên, theo ông Ngô Việt Khôi, AI là công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao cơ hội tiếp cận khách hàng, nhưng cũng là công cụ cho cả tội phạm mạng.

“Nhờ có AI, các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn” – ông Ngô Việt Khôi khẳng định và đưa ra các hình thức lừa ảo thông qua AI bằng công nghệ deepfake.

Cụ thể, thông qua công nghệ deepfake, tội phạm mạng có thể dùng AI để tạo ra hình ảnh và video giả mạo, rất giống và khó phân biệt với hình ảnh, video thật. Ngoài ra, còn giả mạo khuôn mặt, giọng nói để lừa đảo chuyển tiền, giả mạo lãnh đạo doanh nghiệp. Trên thực tế, đã có những kẻ tấn công tạo video deepfake là CEO doanh nghiệp để yêu cầu nhân viên chuyển tiền khẩn cấp.

Ngoài ra, nhiều đối tượng còn sử dụng AI để phân tích lỗ hổng hệ thống, tìm kiếm các điểm yếu của doanh nghiệp, xâm nhập vào hệ thống, đánh cắp dữ liệu và làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp. AI cũng tự động quét và tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật chưa được vá trong hệ thống của doanh nghiệp…

Đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo. Ảnh: Lan Anh

Đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo. Ảnh: Lan Anh

Bảo mật thông tin: "Van" an toàn cho doanh nghiệp

Ông Ngô Việt Khôi khẳng định, AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng cùng với đó cũng tạo ra những thách thức an ninh mới đối với doanh nghiệp. Theo đó, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp hiện nay. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa an toàn thông tin vững mạnh thông qua việc đào tạo nhận thức cho người lao động; đẩy mạnh truyền thông; khuyến khích báo cáo các sự cố và hành vi đáng ngờ; kiểm tra diễn tập và đề cao sự gương mẫu của người lãnh đạo…

Trong đó, xây dựng văn hóa an toàn thông tin vững mạnh là “chìa khóa” để doanh nghiệp đối phó với các mối đe dọa. Song để làm được điều đó, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lan Anh

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lan Anh

Theo bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân thành phố Đà Nẵng: Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nhân khẳng định vai trò tiên phong, thích ứng nhanh và tạo dựng giá trị bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên, trước những rủi ro trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho rằng, chuyển đổi số chỉ thực sự hiệu quả và bền vững khi yếu tố con người được đặt làm trọng tâm. Khi các doanh nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, công cụ và tư duy phù hợp, họ không chỉ ứng phó tốt hơn với rủi ro về an toàn thông tin mà còn có thể phát triển vững chắc trong môi trường số.

Cùng quan điểm trên, bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch Phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) nhận định: Trí tuệ nhân tạo là cánh tay nối dài của tư duy đổi mới, còn phòng vệ số chính là vành đai an toàn cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Theo đó, khi sở hữu cả hai yếu tố trên, doanh nhân không chỉ dẫn dắt doanh nghiệp mà còn góp phần kiến tạo một tương lai số an toàn, bền vững và bao trùm.

Nhằm trang bị cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa (MSMEs) các kỹ năng cần thiết để sử dụng internet an toàn, Chương trình Quỹ An toàn thông tin châu Á - Thái Bình Dương (ACF) đã được thực hiện ở 12 nước trong khu vực với sự hỗ trợ về tài chính của Google.org. Tại Việt Nam, ACF đã hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam để thực hiện hoạt động nâng cao năng lực cho hơn 150.000 MSMEs, hộ kinh doanh và doanh nghiệp xã hội.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quen-bao-mat-trong-ung-dung-ai-doanh-nghiep-co-the-phai-tra-gia-412105.html
Zalo