Quảng Trị vẫn còn nghĩa trang không tên tại thành cổ, bìa rừng, dòng sông

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947), Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên về những mất mát hy sinh của đồng đội tại chiến trường Quảng Trị.

PHÓNG VIÊN: - Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, lần đầu tiên khi thấy đồng đội ngã xuống trước mắt, cảm giác khi đó như thế nào? Điều gì đã ám ảnh ông lâu nhất?

Thượng tướng NGUYỄN HUY HIỆU: Cách đây 60 năm, tháng 6-1965, tôi đã có mặt ở Quảng Trị, tại Trung đoàn 812, Sư đoàn 324. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là nơi chiến trường ác liệt nhất. Tất cả lực lượng mạnh nhất của Mỹ đều về chiến trường Bình Trị Thiên, đặc biệt là Quảng Trị. Mỹ đã dùng tất cả sức mạnh của mình để thử nghiệm chiến tranh ở Quảng Trị. Đây là chiến trường mà tất cả các đơn vị trong toàn quân ta vào Nam chiến đấu đều qua chiến trường này.

Điều ám ảnh lâu nhất đối với tôi là trận đại chiến với cụm chiến binh cơ giới Mỹ vào đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5-4-1970, góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Mỹ Abram. Khi ấy, tôi làm nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 thuộc B5.

Bằng chiến thuật luồn sâu, lực lượng của ta đã bất ngờ đánh vào phía sau và hai bên sườn đội hình địch, tiêu diệt gọn một cụm bộ binh cơ giới của Mỹ. Trong trận này, chúng tôi tiêu diệt gọn địch, diệt 16 xe tăng và thiết giáp Mỹ ở Sáp Đá mái, nhưng đồng đội tôi đã hy sinh rất nhiều.

 Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị – nơi ghi dấu những tháng ngày chiến đấu kiên cường của tuổi trẻ

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị – nơi ghi dấu những tháng ngày chiến đấu kiên cường của tuổi trẻ

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 cho đến kết thúc chiến tranh, riêng trung đoàn của tôi đã hy sinh tới hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ. Điều ám ảnh nhất của tôi khi đồng đội hy sinh là chiến trường ác liệt nên chúng tôi mai táng đồng đội chỉ bằng bao tử sĩ, chôn cất trong các bìa rừng.

Chúng tôi không có hoa, chúng tôi lấy hoa rừng đặt lên mộ đồng đội. Chiến tranh ác liệt, địch bắn pháo, thả bom, có khi cày xới đồng đội của chúng tôi lên. Chúng tôi phải thu gom xác đồng đội mai táng lần thứ hai.

Cho tới bây giờ, rất nhiều đồng đội mai táng trong rừng, do chiến tranh kéo dài, chúng tôi không lấy được tên tuổi và sau này chỉ quy tập được về các nghĩa trang nên gọi là nghĩa trang vô danh.

Quảng Trị có 72 nghĩa trang, có xã có tới 4 nghĩa trang, trong đó, có 2 nghĩa trang quốc gia (Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn). Quảng Trị còn có nghĩa trang không tên, đó là Thành cổ Quảng Trị, bìa rừng, trên các dòng sông và cửa biển.

- Giữa khói lửa chiến trường, điều gì giúp ông giữ vững tinh thần, vượt qua mất mát của đồng đội để tiếp tục chỉ huy và chiến đấu?

Trong chiến tranh ác liệt đó, cái mà giữ được tinh thần chúng tôi là biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng đội của mình đã bị kẻ thù giết hại. Điều giúp chúng tôi vượt qua, biến đau thương thành hành động, từ đau thương mất mát mà giữ tinh thần của mình để tiếp tục tiến công tiêu diệt kẻ thù.

 Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội tại tỉnh Quảng Trị

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội tại tỉnh Quảng Trị

Trong mỗi người lính chúng tôi có lý tưởng đánh địch, trả thù cho đồng đội, tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Bác là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và quyết tâm giải phóng miền Nam.

- Ông có từng tự hỏi tại sao mình còn sống mà bao người khác đã nằm lại chiến trường? Ông đối diện với câu hỏi ấy như thế nào suốt mấy chục năm qua?

Trong chiến tranh, bom đạn rất khốc liệt. Đồng đội không chỉ bị bom đạn mà còn bị sốt rét, chết đói. Trong gian khổ đó, chúng tôi phải đối diện với mất mát hy sinh. Tôi không thể giải mã được tại sao mình còn sống, đồng đội mình đã mất trong mưa bom bão đạn.

Tôi tự hỏi tại sao mình tồn tại, có lẽ, trong bom đạn, chính là mình đã may mắn được sống trong tỷ lệ còn sống rất ít để kể lại sự hy sinh mất mát của đồng đội mình, của đồng bào mình cho nền độc lập hôm nay. Đến nay, những nhân vật lịch sử còn lại cũng đã mất gần hết vì bệnh tật và tuổi già.

- Ông nhìn nhận thế nào về công tác tri ân, chăm sóc thương binh - liệt sĩ hiện nay? Điều gì còn khiến ông trăn trở?

Chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như sự tri ân của đồng bào chiến sĩ cả nước, đặc biệt là cựu chiến binh đối với các anh hùng, đối tượng chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh liệt sĩ đã và đang từng bước làm rất tốt.

Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả chiến tranh quá nặng nề. Chất độc màu da cam, rồi hàng năm có hàng trăm người bị thương vong vì bom mìn còn sót lại. Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể đã vào rất nhiều để thực hiện chính sách báo đáp và tri ân.

Điều trăn trở nhất của tôi là còn rất nhiều đồng đội đã hy sinh có mộ nhưng không có tên, bạt ngàn trong các nghĩa trang và rất nhiều đồng đội chưa tìm được hài cốt. Bây giờ phải bằng khoa học và tất cả những gì có thể làm được để tìm kiếm được, trả lại tên cho đồng đội.

Tất cả các bà mẹ Việt Nam có con đi chiến đấu đến gần 60 năm mà chưa tìm được hài cốt đều ước mơ tìm được hài cốt của con mình, đưa về địa phương. Rất nhiều bà mẹ không còn nữa, anh em, con cháu chỉ mong mỏi Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân phát hiện và tìm kiếm mộ liệt sĩ để đưa về. Đó là niềm hạnh phúc.

Cuộc hành quân đi tìm đồng đội của chúng tôi là ngay sau kết thúc chiến tranh, nhưng bây giờ mới chỉ đạt được một phần. Còn 300.000 người Việt Nam mất tích tại chiến trường, dù Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể, nhà hảo tâm đã rất tích cực nhưng mới chỉ đạt được một phần.

Cần phát động toàn dân, toàn quân và đặc biệt là các cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường, trực tiếp chôn cất đồng đội tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm kiếm, khai quật. Từ đó, xác minh các hài cốt, dù bằng tâm linh thì vẫn phải đưa về kiểm tra AND miễn phí.

Quỹ thời gian của những đồng đội trực tiếp chiến đấu, chôn cất liệt sĩ còn rất ít. Phải làm sao thật nhanh chóng tận dụng quỹ thời gian này.

- Trong bối cảnh đất nước đang phát triển, ông mong thế hệ sau nên gìn giữ điều gì để không phụ công những người đã ngã xuống?

Tôi muốn gửi thông điệp cho thế hệ sau phải thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Đây là đạo lý của dân tộc Việt Nam, của người Việt Nam, của lịch sử văn hóa truyền thống ngàn đời của Việt Nam.

Chúng ta cần tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, trước hết là tự hào về nền văn hóa truyền thống và lịch sử, con người Việt Nam để giáo dục cho thế hệ người Việt Nam, không những hôm nay mà mãi mai sau này.

Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là làm chủ khoa học và công nghệ, phát huy trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, to đẹp và đàng hoàng hơn, để xứng đáng sánh vai với các cường quốc năm châu, đúng như khát vọng thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn và gửi gắm.

- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

HÀ ANH (thực hiện)

HÀ ANH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quang-tri-van-con-nghia-trang-khong-ten-tai-thanh-co-bia-rung-dong-song-post124600.html
Zalo