Quảng Trị đảm bảo an toàn cho du khách di chuyển đường thủy ra sao?

Tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho du khách di chuyển bằng đường thủy trên địa bàn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng vận tải du lịch đường biển, gồm: cảng Hòn La, cảng Cửa Gianh, cảng Cửa Việt và cảng Cồn Cỏ.

Tàu cao tốc Cồn Cỏ tourist. Ảnh: T.T.

Tàu cao tốc Cồn Cỏ tourist. Ảnh: T.T.

Ngoài ra, tại Quảng Trị còn có hệ thống cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động theo quy định, trong đó có một số bến thủy nội địa phục vụ hoạt động du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn thuyền du lịch (khoảng 400 chiếc) phục vụ tuyến đường thủy nội địa sông Son đưa đón khách du lịch tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn và sông Chày - hang Tối.

Trong năm 2026, tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ đưa vào vận hành thêm 3 bến thủy nội địa, gồm: Bến thuyền Nhật Lệ, Bến thuyền Quán Hàu, Bến thuyền Thần Đinh. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, khảo sát phát triển thêm các tuyến đường thủy nội địa trên các sông: Bến Hải, Thạch Hãn, Nhật Lệ, Kiến Giang, sông Gianh…

Là địa phương nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng thời tiết bất thường (mưa, bão, lũ, lụt), các cấp, ngành chức năng có liên quan tại tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho du khách khi di chuyển bằng các tuyến đường thủy trên địa bàn.

Cụ thể, theo ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, đơn vị thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn, có văn bản chỉ đạo các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sẵn sàng những điều kiện để đảm bảo an toàn khi phục vụ du khách và hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sở cũng đã và đang phối hợp với Trung tâm khí tượng thủy văn, các đơn vị liên quan tăng cường cập nhật thông tin thời tiết, bám sát các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để kịp thời thông tin, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch triển khai các biện pháp, trang thiết bị bảo đảm an toàn cho du khách.

Các đơn vị quản lý, khai thác các cảng, bến thủy và phương tiện đường thủy chỉ được phép khai thác khi đảm bảo các điều kiện vận hành cảng, bến; điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện và người phục vụ trên phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tại các bến, cảng có nội quy, quy định về việc hoạt động của các phương tiện. Khi gặp điều kiện thời tiết không đảm bảo, không cho phép phương tiện xuất bến, đồng thời, sử dụng các phương tiện thông báo, đặt biển cảnh báo thời tiết xấu để đơn vị, du khách chủ động biện pháp ứng phó.

Phối hợp với lực lượng Biên phòng theo dõi các tàu du lịch di chuyển bằng đường biển, bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn với đầy đủ phương tiện, nhân sự để thực hiện các hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Các tàu thuyền hoạt động du lịch bắt buộc phải có thiết bị an toàn, như: áo phao, phao cứu sinh, hệ thống liên lạc, thực hiện mua bảo hiểm cho khách du lịch theo quy định của pháp luật. Du khách khi di chuyển bằng thuyền phải mặc áo phao theo quy định.

Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động, giấy phép và hồ sơ phương tiện vận tải thủy nội địa.

Các vùng vui chơi giải trí dưới nước chỉ hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền công bố vùng nước tổ chức hoạt động du lịch. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao dưới nước phải đảm bảo quy định của pháp luật.

“Bắt buộc các thuyền trưởng phải theo dõi thông tin thời tiết, khí tượng hàng ngày, có quyền từ chối vận chuyển khi thấy nguy cơ mất an toàn. Các hãng tàu vận tải tuyến Cửa Việt - Cồn Cỏ, khu, điểm tham quan khu du lịch có tổ chức hoạt động vận tải đường thủy nội địa (Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng), các vùng vui chơi giải trí dưới nước phải bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn, niêm yết đường dây nóng các đơn vị hỗ trợ cứu hộ”, ông Hoan cho biết thêm.

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-tri-dam-bao-an-toan-cho-du-khach-di-chuyen-duong-thuy-ra-sao-10311053.html
Zalo