Quảng Ninh: Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ

Với lợi thế về diện tích rừng lớn, Quảng Ninh đang ngày càng khẳng định vị thế trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Việt Hoa

Chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Việt Hoa

Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng ổn định

Tỉnh Quảng Ninh sở hữu đầy đủ các yếu tố để trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu gỗ lớn của cả nước.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, hiện nay tỉnh có 278 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động. Con số này cho thấy một bức tranh sôi động của ngành công nghiệp gỗ tại địa phương. Những cơ sở này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan. Con số này đã tăng trưởng đều qua các năm, khẳng định vị thế của các sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, năm 2020 xuất khẩu gỗ đạt trên 221 triệu USD; năm 2021 đạt 238 triệu USD; năm 2023 đạt 242 triệu USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hướng dần tới thị trường EU. Đáng chú ý là mặc dù tỉnh có lợi thế rất lớn về hệ thống giao thông và việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh chủ động thực hiện từ rất sớm thế nhưng thực trạng ngành chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh Quảng Ninh vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Quảng Ninh đã không ngừng đầu tư vào đổi mới công nghệ. Các thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại được đưa vào sử dụng, giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Tiềm năng lớn nhưng còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chế biến gỗ tại Quảng Ninh vẫn còn một số thách thức cần giải quyết.

Mặc dù sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng ngành chế biến gỗ tại Quảng Ninh lại chưa thật sự phát triển như mong đợi. Sản phẩm chủ yếu vẫn tập trung vào các mặt hàng đơn giản, giá trị gia tăng thấp như gỗ xẻ, dăm gỗ. Chất lượng sản phẩm chưa ổn định, thiếu tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ tại Quảng Ninh đều quy mô nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, thiếu liên kết. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào thủ công, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Việc thiếu vốn đầu tư cũng là một hạn chế lớn, khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một vấn đề đáng quan ngại khác là nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ. Nhất là những quy định tại Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/9/2024 về việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, dẫn đến gặp không ít khó khăn vướng mắc về hồ sơ nguồn gốc lâm sản trong khai thác, lưu thông, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định mới về thu mua gỗ nguyên liệu, sản xuất dăm gỗ, xác nhận bảng kê nguồn gốc gỗ rừng trồng và phân loại doanh nghiệp đang gây ra không ít vướng mắc. Các doanh nghiệp cảm thấy loay hoay trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn về khâu dự trữ nguyên liệu và kho bãi. Việc thiếu đất để xây dựng kho bãi, kết hợp với việc chưa có cơ chế hỗ trợ chuỗi liên kết trong chế biến gỗ khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.

Trao đổi với báo chí, đại diện Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết: “Chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Một giải pháp khác mà chúng tôi cho rằng rất quan trọng chính là các doanh nghiệp cần sớm thành lập Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Quảng Ninh. Vì chỉ có Hiệp hội mới có thể gia nhập vào sân chơi chung của các Hiệp hội gỗ và Hiệp hội lâm nghiệp trên cả nước”.

Để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp và phát triển bền vững ngành chế biến gỗ, tỉnh Quảng Ninh cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để giúp doanh nghiệp nắm vững các quy định pháp luật, nâng cao năng lực quản lý. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm gỗ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ Quảng Ninh, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Việc giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là một yêu cầu cấp thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Theo Báo Công Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/quang-ninh-thuc-day-nganh-cong-nghiep-che-bien-go.html
Zalo