Quảng Ninh: Gõ cửa 'mỏ vàng' du lịch Halal
Với quy mô cộng đồng khoảng 2 tỷ người và giá trị thị trường du lịch toàn cầu ước đạt 350 tỷ USD vào năm 2030, thị trường du lịch Halal được xác định là 'mỏ vàng' mà Quảng Ninh đang tìm cách đẩy mạnh khai thác.

Khách du lịch Hồi giáo trải nghiệm tham quan Di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Ngọc Anh.
Du lịch Halal hay còn được gọi là du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Khách du lịch Halal là những du khách theo đạo Hồi, hầu hết đến từ các quốc gia ở khu vực Nam Á, Tây Á, Trung Đông... Họ tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt do giới luật đặt ra trong sinh hoạt bao gồm điều kiện ăn, nghỉ, cầu nguyện... Ngay cả khi đi du lịch, những yêu cầu này cũng cần được đáp ứng thì khách du lịch Hồi giáo mới có thể dùng bữa, nghỉ ngơi và lưu trú dài ngày. Hầu hết du khách Hồi giáo khi đi du lịch sẽ chỉ tin tưởng sử dụng dịch vụ tại những nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú có chứng nhận đạt chuẩn Halal.
Với thế mạnh về nguồn tài nguyên du lịch phong phú; hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi; hệ thống lưu trú và cơ sở dịch vụ ăn uống đa dạng, tiện nghi, Quảng Ninh luôn là một trong những điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây cũng là địa phương năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, bắt nhịp xu thế và thị trường du lịch Halal được xác định là “mỏ vàng” mà Quảng Ninh không thể bỏ lỡ.
Để sẵn sàng đón đầu dòng khách này, tỉnh đã chủ động mở các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ dòng khách du lịch Halal nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ phục vụ dòng khách này. Tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp - QUACERT và Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia - HALCERT (cùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành khảo sát đánh giá mức độ đáp ứng tiêu chuẩn Halal của các khách sạn từ 4-5 sao.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về thị trường du lịch Halal nhằm đánh giá đầy đủ tiềm năng và hiến kế khai thác tốt thị trường này, mà mới đây nhất là Hội thảo quốc tế “Phát triển Quảng Ninh thành một trong những điểm đến du lịch thân thiện với người Hồi giáo hàng đầu tại Việt Nam” do Đại học Hạ Long và Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức hồi cuối tháng 5/2025.
Chia sẻ tại hội thảo này, ông Kohdayar Marri, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam khẳng định: Quảng Ninh hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo. Các bạn có sẵn cơ sở vật chất hiện đại, điều cần thiết nhất chính là các bạn cần cung cấp cho chúng tôi nơi cầu nguyện đầy đủ, một môi trường du lịch thân thiện và những thực phẩm riêng biệt mà chúng tôi sử dụng.
“Tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch từ nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch đến nhà cung cấp dịch vụ cần đảm bảo hiểu sâu sắc về phong tục, văn hóa và nguyện vọng của người Hồi giáo. Cùng với đó, cần có phương thức quảng bá sản phẩm du lịch đa ngôn ngữ, nội dung số và các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu hướng đến các thị trường chủ chốt có đa số người Hồi giáo” - Đại sứ Kohdayar Marri gợi mở.
Ông Ramlan bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia - HALCERT cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động và nhận định thị trường Hồi giáo là một trong những thị trường tiềm năng và khuyến khích doanh nghiệp tìm hiểu thị trường này. Đó là những thay đổi rất tích cực để sẵn sàng mở ra một giai đoạn mới, một thị trường mới đầy hấp dẫn cho ngành du lịch Quảng Ninh. Chúng tôi rất vui vì điều đó và cũng sẽ chia sẻ, hợp tác, đồng hành để địa phương có điều kiện về khách sạn, nhà hàng phù hợp văn hóa, tín ngưỡng của du khách theo đạo Hồi.
Mặc dù thị trường Halal được đánh giá là “mỏ vàng” của du lịch Quảng Ninh song vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn khiến thị trường tiềm năng này còn bỏ ngỏ.
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng (Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi), không ít doanh nghiệp địa phương vẫn còn băn khoăn về tính ổn định của dòng khách này trong dài hạn, nhất là khi thị trường này chưa phải là phân khúc truyền thống của tỉnh. Hơn nữa, việc thu hút dòng khách Halal đòi hỏi đầu tư lớn vào dây chuyền sản xuất, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn Halal, cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ khách lưu trú và giải trí đáp ứng tiêu chuẩn Halal riêng biệt, đây là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch của tỉnh.
Kỳ vọng rằng, với những lợi thế tiềm năng sẵn có cùng những định hướng chiến lược, tỉnh Quảng Ninh có thể khai thác hiệu quả dòng khách này, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế.