Quảng Ngãi siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản
Để tránh tình trạng khoáng sản đội giá, khai thác trái phép, vượt trữ lượng, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép kéo dài, chậm trễ xử lý.

Quảng Ngãi tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, các ngành chức năng Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương giám sát hoạt động.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, khoáng sản mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động khai thác sẽ gây ra những hệ lụy cho môi trường, xã hội.
Thời gian qua, chính quyền cơ sở đã chủ động kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, góp phần đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản hiệu quả, minh bạch.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 70 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trữ lượng hơn 73.000 m3 còn hiệu lực; trong đó có 28 mỏ đá, 7 mỏ cát, 27 mỏ đất đồi; còn lại là mỏ đất, cát, đá cấp chỉ định cho công trình, dự án.
Trong 2 năm (2023 - 2024), tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đối với 10 mỏ cát (trữ lượng gần 1,9 triệu m3); 13 mỏ đất (gần 6,7 triệu m3); 1 mỏ đá chẻ và 1 mỏ cát biển nạo vét.
Hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản được cấp phép đều tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, từ việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát đến tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản;...
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã có yêu cầu UBND các xã, phường và đặc khu Lý Sơn nghiêm túc triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin vi phạm.
Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo, chính quyền cơ sở phải kịp thời giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không tập trung xử lý hoặc để diễn ra kéo dài, hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ, không kịp thời triển khai nhiệm vụ.
“Chỉ đạo lực lượng Công an xã phối hợp với các lực lượng khác xử lý nghiêm, triệt để các điểm khai thác trái phép; quản lý chặt chẽ người, phương tiện, thiết bị có nguy cơ bị lợi dụng để khai thác, tập kết, chế biến khoáng sản trái quy định”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.
Với các đơn vị được cấp phép, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu chính quyền cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khai thác; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động khi phát hiện sai phạm và đôn đốc doanh nghiệp thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường, bảo vệ môi trường đúng quy định.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu quy hoạch, cấp phép bến bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản; kiểm soát chặt tình hình cung cầu cát, sỏi để hạn chế tình trạng thiếu nguồn cung, đẩy giá lên cao.
Công an tỉnh được giao phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến khoáng sản; chỉ đạo Công an các xã, phường, đặc khu phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trên địa bàn; chủ động nắm tình hình, xử lý kịp thời vi phạm, không để phát sinh điểm nóng.