Quảng Ngãi giải quyết 3 vấn đề cốt lõi trong phát triển thủy sản

Để phát triển nghề khai thác hải sản thành ngành mũi nhọn, thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên môi trường biển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường.

Ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường là 3 vấn đề cốt lõi mà tỉnh Quảng Ngãi cần sớm giải quyết hiệu quả nhằm phát triển kinh tế thủy sản bền vững.

Ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường là 3 vấn đề cốt lõi mà tỉnh Quảng Ngãi cần sớm giải quyết hiệu quả nhằm phát triển kinh tế thủy sản bền vững.

Quảng Ngãi là một trong 28 tỉnh có biển với chiều dài bờ biển khoảng 130km, ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt thủy hải sản, đó là điều kiện thuận lợi và nguồn lực cơ bản để tỉnh phát triển kinh tế biển.

Tạo niềm tin để ngư dân bám biển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 1.736 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động khai thác hải sản vùng biển xa, thường xuyên hoạt động tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng DK1 và vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản; hơn 30.000 người hành nghề trên biển đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế biển và nghề cá; xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tiếp tục được quan tâm thực hiện, tạo niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển xa.

Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tiếp tục được quan tâm thực hiện, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển.

Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tiếp tục được quan tâm thực hiện, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ 74 đợt về nhiên liệu, chi phí bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF với tổng số tiền 3.821 tỷ đồng. Các chính sách cho vay vốn tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu thuyền; xây dựng cơ sở vật chất hậu cần nghề cá; chăm sóc sức khỏe cho ngư dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng ven biển đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định được thực hiện thường xuyên.

Máy VX-1700 thường xuyên hỏng hóc khiến ngư dân gặp khó khi tin nhắn từ tàu gửi về trạm bờ để thực hiện nhận hỗ trợ.

Máy VX-1700 thường xuyên hỏng hóc khiến ngư dân gặp khó khi tin nhắn từ tàu gửi về trạm bờ để thực hiện nhận hỗ trợ.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản, song hiệu quả việc triển khai thực hiện một số chính sách đối với ngư dân chưa như mong muốn; việc định hướng quy hoạch phát triển tàu thuyền trên địa bàn tỉnh còn bất cập; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền còn nhiều nội dung chưa phù hợp; trình độ tay nghề của ngư dân còn thấp; một số chủ tàu và thuyền viên không thực hiện ký kết hợp đồng lao động; công nghệ đánh bắt, chế biến, bảo quản thủy hải sản trên biển trước khi vào bờ còn mang tính thủ công; chi phí sản xuất cao, sản phẩm khó tiêu thụ; ảnh hưởng bất lợi của yếu tố thời tiết đã và đang tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm và sự gắn bó của ngư dân đối với nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Bám biển vươn khơi là cuộc sống, niềm tự hào của ngư dân

Trước thực tế nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, giá nhiên liệu cao, lợi nhuận sau mỗi chuyến biển giảm khiến đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn, mới đây, tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, trên tinh thần dân chủ, cởi mở, trách nhiệm và tâm huyết, bà con ngư dân đã phản ánh, kiến nghị tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: vấn đề bảo hộ cho ngư dân yên tâm hành nghề trên biển; hạ tầng kinh tế kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động sản xuất của ngư dân; chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi gặp rủi ro trong quá trình hành nghề trên biển; chính sách đảm bảo cho ngư dân thuận lợi trong phát triển nghề;hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Sau khi lắng nghe, ghi nhận, trao đổi và yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan, địa phương liên quan trực tiếp trả lời, giải thích, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian đến, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, cần sớm giải quyết những vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của bà con ngư dân nêu ra.

Ngư dân nêu kiến nghị tại buổi đối thoại.

Ngư dân nêu kiến nghị tại buổi đối thoại.

Đồng chí giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền mà bà con ngư dân đã phản ánh, kiến nghị tại buổi đối thoại, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân về khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tăng cường phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân nhằm tuyên truyền, định hướng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại buổi đối thoại.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại buổi đối thoại.

“Để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường để phát triển nghề khai thác hải sản thành ngành mũi nhọn. Trong đó, chú trọng các nội dung liên quan đến phương tiện sản xuất, vốn, đào tạo, tổ chức sản xuất, dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm và các chính sách an sinh xã hội khác đối với ngư dân, đó là cơ sở để nghề cá phát triển theo hướng bền vững”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp và các quy định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ là gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU, bảo đảm quyền lợi cho người dân trong khai thác thủy hải sản.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, về chương trình phát triển thủy sản Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản theo công nghệ mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích ngư dân có kinh nghiệm truyền nghề cho lao động trẻ. Trang bị kiến thức cho ngư dân cách phòng, chống thiên tai, phòng tránh va chạm với tàu lạ, tàu nước ngoài, kỹ thuật sơ cứu ban đầu khi thuyền viên gặp nạn, ốm đau, bệnh tật trên biển…

Tổ chức lại sản xuất trong từng lĩnh vực khai thác hải sản trên cơ sở sắp xếp phù hợp với nhóm nghề, từng nghề, từng ngư trường; hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên biển để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và kịp thời hỗ trợ ngư dân ứng phó với các rủi ro trên biển, bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động trên biển. Tăng cường quản lý, điều tra, đánh giá chính xác nguồn lợi thủy sản để xác định, dự báo về ngư trường, có định hướng khai thác phù hợp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tàu thuyền.

Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) thường xuyên quá tải tàu cá neo đậu.

Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) thường xuyên quá tải tàu cá neo đậu.

Sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, phù hợp quy hoạch, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản. Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Rà soát, đánh giá số lượng tàu thuyền đang tham gia đánh bắt xa bờ; nghiên cứu tham mưu ban hành Nghị quyết đặc thù trong việc hỗ trợ một phần chi phí mua bảo hiểm cho ngư dân đối với các tàu khai thác, đánh bắt xa bờ.

“Với mỗi ngư dân, bám biển vươn khơi là cuộc sống, là niềm tự hào làm chủ vùng biển quê hương, nối nghề truyền thống của cha ông để lại, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, đối với ngư dân ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ý thức rõ điều này, các thế hệ ngư dân ngày nay luôn quyết tâm bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân bày tỏ.

HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ngai-giai-quyet-3-van-de-cot-loi-trong-phat-trien-thuy-san-post847056.html
Zalo