Quảng Nam chạy đua gỡ vướng, xóa bỏ tàu cá '3 không'

Sau thời gian tập trung xử lý quyết liệt, đến nay Quảng Nam đã hoàn thành 98% việc đăng ký, cấp phép cho tàu cá '3 không'.

Xóa tàu cá "3 không"

Thực hiện nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU, từ đầu tháng 11, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phải gấp rút hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đồng thời yêu cầu tất cả tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định và theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS.

Trao đổi với VietNamNet, ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam (Sở NN&PTNT) cho biết, một nhiệm vụ quan trọng trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) để gỡ "thẻ vàng" thủy sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) là xóa bỏ tàu cá "3 không" (không đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản, đăng kiểm).

Quảng Nam yêu cầu hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp phép tàu cá từ 6m đến dưới 12m trong tháng 11.

Quảng Nam yêu cầu hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp phép tàu cá từ 6m đến dưới 12m trong tháng 11.

Sau thời gian các lực lượng phối hợp triển khai liên tục, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, đến nay, Quảng Nam hoàn thành đăng ký, cấp phép tàu cá "3 không" được khoảng 98%.

Hiện, tổng số tàu cá đã đăng ký tại Quảng Nam là 2.921 tàu. Trong đó, 1.884 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ, 419 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng, và 618 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở tuyến khơi.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 55 tàu cá "3 không". Trong đó, 31 tàu cá dưới 12m đang được gấp rút hoàn thành việc cấp phép trước ngày 30/11.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về chống IUU.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về chống IUU.

Riêng 24 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đang gặp vướng mắc do hồ sơ máy tàu không đảm bảo. Chất lượng của những tàu cá này cũng không đáp ứng an toàn kỹ thuật... Hiện, Chi cục Thủy sản đang tiếp tục phối hợp với địa phương, cơ sở đăng kiểm hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm hồ sơ thiết kế, kiểm định máy thủy... để thực hiện việc đăng ký, cấp phép.

"Nếu sau ngày 31/12, những tàu cá "3 không" này vẫn chưa đủ điều kiện để cấp phép thì buộc phải dừng hoạt động", ông Long nói.

Giảm nguy cơ tàu vi phạm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2023 đến nay, địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là đối với nhóm tàu câu mực khơi khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.

Trong 10 tháng qua, ngành chức năng Quảng Nam đã xử lý trên 150 vụ về khai thác IUU, Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 107 vụ với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng, chủ yếu là vi phạm về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Thiết bị GSHT được gắn trên tàu cá.

Thiết bị GSHT được gắn trên tàu cá.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam chia sẻ, theo quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải vận hành giám sát hành trình (GSHT) xuyên suốt chuyến biển.

Do đó, các thuyền trưởng phải luôn theo dõi hoạt động của thiết bị GSHT tàu cá. Nếu VMS bị mất kết nối thì ngư dân phải dùng thiết bị liên lạc VX1700 nhắn tin về Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam với tần suất 6 giờ/lần để ngành chức năng biết được tọa độ của tàu cá.

Ngư dân kiểm tra các thiết bị trước khi ra khơi.

Ngư dân kiểm tra các thiết bị trước khi ra khơi.

"Khi phát hiện có tàu cá mất kết nối GSHT, ngành thủy sản cũng sẽ liên hệ thuyền trưởng để nhắc nhở hoặc gọi điện đến người thân của chủ tàu để thông báo. Nếu sự cố không thể khắc phục được thì ngư dân buộc phải đưa tàu về bờ trong vòng 10 ngày để tránh bị xử phạt", ông Long chia sẻ.

Thực tế, một số trường hợp tàu cá bị mất kết nối GSHT có lỗi do nhà mạng cung cấp dịch vụ. Do đó, ông Long khuyến cáo nếu có điều kiện thì chủ tàu cá nên đầu tư 2 thiết bị GSHT khác nhau để thay thế khi gặp sự cố. Ngoài ra, có thể dùng nhật ký điện tử để chứng minh tàu cá bị sự cố khi đang ở vùng biển Việt Nam.

Ngư dân Phạm Văn Tuấn (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu cá QNa 91069 TS cho biết, thời gian qua, ông và các ngư dân liên tục được Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền về những điều cần chú ý khi khai thác hải sản, đặc biệt là việc không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thiết bị giám sát hành trình được ngư dân Phạm Văn Tuấn trang bị cho tàu cá.

Thiết bị giám sát hành trình được ngư dân Phạm Văn Tuấn trang bị cho tàu cá.

Do đó, mỗi lần vươn khơi, ông đều kiểm tra thiết bị GSHT trên tàu cá, để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát. Đồng thời ở gần vùng biển giáp ranh thì thiết bị này sẽ đưa ra cảnh báo, để ngư dân biết và không cho tàu xâm phạm lãnh hải của nước bạn.

"Nhờ vậy, thời gian qua tàu cá tôi luôn chấp hành tốt, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngư dân chúng tôi ai cũng cố gắng hoạt động đánh bắt trên biển thật tốt, đúng quy định và tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài, để chung tay cùng ngư dân cả nước sớm gỡ thẻ vàng", ông Tuấn nói.

Hà Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quang-nam-chay-dua-go-vuong-cho-nghe-khai-thac-thuy-san-2346003.html
Zalo