Quan tâm tới nguồn vốn khi đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô

Chiều 1/7, thảo luận tại tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 17, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đưa ra nhiều ý kiến thải luận về Đề án phát triển đường sắt đô thị. Nhiều đại biểu nhấn mạnh cần quan tâm tới vấn đề công nghệ và nguồn vốn thực hiện Đề án.

Nếu không thay đổi cách làm thì rất khó thực hiện

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn (Tổ đại biểu quận Hoàn Kiếm) cho rằng, với 14 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần phát huy thứ tự ưu tiên, phương án lựa chọn công nghệ, nguồn lực. Nhiều ý kiến gợi mở, huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp, do đó, Chủ tịch HĐND TP mong các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có giải pháp tối ưu.

Phát biểu thảo luận, đồng tình với sự cần thiết ban hành đề án đường sắt đô thị, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho rằng, nguồn lực cho Đề án vẫn là vấn đề cần bàn. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ chung cho tất cả các tuyến đường sắt tránh tình trạng mỗi tuyến vay tiền một nơi và đưa công nghệ khác nhau vào gây khó khăn trong kết nối.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu thảo luận

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu thảo luận

Cùng đó, việc làm theo mô hình TOD được quy định trong Luật Thủ đô nhưng gần như 5 năm tới chưa khai thác được, vì vậy đây cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án đường sắt đô thị cũng yêu cầu trình nghiên cứu quy hoạch, quỹ đất đô thị vì thế ông Lê Anh Quân cho rằng, cần đưa nội dung vào dự án để giảm bớt gánh nặng cho việc đầu tư đường sắt.

Phát biểu thảo luận, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, mục tiêu đề án đặt ra là xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài lớn và tổng đầu tư 50 tỷ đô la có tính khả thi không cao, nếu không thay đổi phương pháp làm thì rất khó để thực hiện (so sánh với dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thời gian triển khai quá dài...). Vì thế, đại biểu cho rằng TP cần cân nhắc tổng mức đầu tư và cách triển khai thực hiện.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, việc bảo đảm tiến độ xây dựng gần 600km metro như trong quy hoạch là một thách thức rất lớn đối với TP. Ngoài ra, để huy động khoảng 50 tỷ USD để hoàn thiện quy hoạch đường sắt Thủ đô cũng cần quyết tâm rất lớn.

Đại biểu Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phát biểu thảo luận

Đại biểu Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phát biểu thảo luận

Cần đa dạng nguồn vốn đầu tư

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam (tổ huyện Phú Xuyên) bày tỏ thống nhất cao sự cần thiết thông qua Đề án, tuy nhiên vấn đề mấu chốt là công nghệ và nguồn vốn. Trong khi đó, vốn lớn, kinh nghiệm triển khai lâu như tuyến đường sắt số 1, mà mục tiêu 2035 hoàn thành các tuyến là thách thức không nhỏ.

Đại biểu đề xuất, công nghệ trên thế giới triển khai khác nhau, vì thế Hà Nội nên chọn tổng thể đơn vị thực hiện xuyên suốt, trong đó quan tâm về thông số chính tối ưu cho chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì trong tương lai - đây là sống còn của dự án.

"Số vốn quá lớn, triển khai đến 2035, khó khăn cho thành phố cân đối vấn, Trung ương hỗ trợ, vấn đề đối ứng của TP như thế nào để có kết quả khả thi" - đại biểu nêu.

Bên cạnh đó, Đề án có nêu đa dạng hóa vốn đầu tư, theo đại biểu, đây là Đề án tổng thể, chưa nên đưa vấn đề cụ thể từng gói thầu, mà cần lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm nguồn lực triển khai tổng thể. Nếu họ không đủ, thì liên doanh liên kết…. Vì thế, Đề án nên đưa vào nguyên tắc liên danh gói thầu, không nên chi tiết.

Quang cảnh thảo luận tại tổ 4

Quang cảnh thảo luận tại tổ 4

Về thu hút nhà đầu tư tư nhân trúng, đúng trong bối cảnh hiện nay, theo đại biểu, TP cần công bố sớm chính sách, để đẩy nhanh tiến độ chọn nhà thầu, bởi chỉ có 10 năm hoàn thành, rất gấp gáp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ huyện Mỹ Đức) cũng quan tâm tới sự đồng bộ về công nghệ. Nguồn lực TP xác định ưu tiên nhưng TP không chỉ có tập trung cho lĩnh vực này, mà cần cho các lĩnh vực khác, vì thế cần có cân đối nguồn vốn khả thi….

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ quận Hà Đông) đồng tình cao với Đề án, vì đây là phương tiện giao thông công cộng nhanh, rẻ, văn minh, nhưng thời gian triển khai ngắn, trong khi nguồn lực có hạn, nếu không quyết tâm cao sẽ khó hoàn thành trong 10 năm. Vì vậy, cần đánh giá khách quan, để đề án triển khai khả thi cao.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Tổ huyện Thường Tín) cho rằng, để triển khai Đề án, TP nên chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát mạng lưới quy hoạch về đường sắt đô thị, nhất là đặt tên ga không cần quá dài, chỉ cần dễ nhớ. Ngoài ra, đại biểu cho rằng TP cần quy hoạch mạng lưới, không chỉ 14 tuyến mà nhiều hơn nữa. Luật Thủ đô sửa đổi là động lực cho Hà Nội không chỉ là phát triển các tuyến đường sắt đô thị mà cả triển khai các dự án khác để nâng cao hơn nữa chất lượng đô thị…

Vân Hà - Thái San - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-tam-toi-nguon-von-khi-dau-tu-he-thong-duong-sat-do-thi-thu-do.html
Zalo