Quan tâm phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, đại biểu Trần Thị Kim Ngân, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn nêu thực trạng và giải pháp phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung tình trạng đuối nước, tai nạn thương tích thương tâm thường xuyên xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng mà đối tượng chủ yếu là các em học sinh, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi.
Tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy 10 vụ đuối nước làm tử vong 12 trẻ; 31 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh làm 10 người chết, 27 người bị thương. Đặc biệt, có những vụ việc vô cùng nghiêm trọng và thương tâm, điển hình như vụ đuối nước ngày 9/5 ở xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) làm 3 ông cháu trong một gia đình tử vong, trong đó có 2 trẻ em. Vụ cháy nhà dân ngày 16/6 ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang) làm 3 người tử vong, có 1 trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do hầu hết trẻ không biết bơi và chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng chưa ý thức được các mối nguy hiểm nên trẻ không sợ và không lường hết được sự nguy hiểm có thể xảy ra. Mặt khác, đa số trẻ chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn, chưa biết cách tự bảo vệ mình khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Ý thức trách nhiệm của nhiều gia đình đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em chưa cao, còn lơ là, thiếu sự chăm sóc, quản lý, giám sát đối với con em mình. Bản thân nhiều cha mẹ thiếu kiến thức phòng tránh hoặc chủ quan nên không tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng tránh có thể làm được hoặc rèn cho trẻ các kỹ năng, kiến thức phòng tránh những tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, trẻ em thiếu các điểm vui chơi, giải trí, sân chơi lành mạnh, an toàn. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em chưa được quan tâm đúng mức cả về nhân lực và kinh phí.
Theo đại biểu Trần Thị Kim Ngân, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải vào cuộc thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đẩy mạnh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, trường học, các gia đình, cá nhân và toàn xã hội về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn phòng tránh tai nạn, thương tích trẻ em”; xây dựng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi; học sinh toàn trường biết bơi”.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học, thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, như phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can, khu vui chơi... trong khuôn viên nhà trường, kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục, bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích.
Tăng cường khuyến cáo, vận động các gia đình, người thân thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè, vào mùa mưa lũ. Không cho trẻ tham gia các hoạt động, công việc nguy hiểm dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn thương tích, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm cho trẻ. Chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Nhóm PV Nội chính