Quân sự thế giới hôm nay (26-7): Nga biên chế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo

Quân sự thế giới hôm nay (26-7): Nga biên chế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo; Mỹ mua hệ thống đánh chặn MRIC cho Thủy quân lục chiến; Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng 40 tiêm kích Eurofighter Typhoon.

* Nga biên chế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo

Ngày 24-7, Hải quân Nga chính thức đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei-A mới nhất mang tên Knyaz Pozharsky vào biên chế.

Tàu ngầm Knyaz Pozharsky được biên chế vào Hạm đội Phương Bắc. Ảnh: Army Recognition.

Tàu ngầm Knyaz Pozharsky được biên chế vào Hạm đội Phương Bắc. Ảnh: Army Recognition.

Knyaz Pozharsky là chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thứ bảy thuộc Dự án 955A Borei-A, thế hệ tàu ngầm chiến lược mới được nâng cấp hiện đại hơn so với lớp Borei trước đó. Tàu sở hữu hệ thống sonar hiện đại, thủy động lực học cải tiến, và hệ thống đẩy êm hơn giúp tăng cường khả năng tàng hình. Mỗi chiếc tàu ngầm thuộc lớp này được trang bị 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava, mỗi tên lửa có thể mang theo 6 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập.

Ngoài kho vũ khí tên lửa chiến lược, tàu còn sở hữu 6 đến 8 ống phóng cỡ 533mm có thể triển khai nhiều loại ngư lôi hạng nặng và tên lửa chống hạm. Hệ thống bảo vệ REPS-324 Shlagbaum và khả năng phóng tên lửa RPK-2 Viyuga cho tác chiến chống ngầm và chống hạm giúp tàu duy trì năng lực chiến đấu linh hoạt.

Tàu ngầm Knyaz Pozharsky dự kiến sẽ hoạt động trong biên chế Hạm đội Phương Bắc, tuần tra khu vực biển Bắc Cực và Đại Tây Dương.

Tại buổi lễ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục biên chế thêm 6 tàu ngầm hạt nhân mới vào năm 2030. Những tàu này sẽ được tích hợp hệ thống vũ khí không người lái Poseidon, ngư lôi hạt nhân tự hành liên lục địa đầu tiên trên thế giới, sử dụng lò phản ứng hạt nhân làm động lực.

* Mỹ mua hệ thống đánh chặn MRIC cho Thủy quân lục chiến

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24-7 thông báo đã ký hợp đồng trị giá hơn 32,5 triệu USD với Tập đoàn Raytheon Missiles and Defense để nhận được sự hỗ trợ cho chương trình phát triển hệ thống đánh chặn tầm trung MRIC dành cho lực lượng Thủy quân lục chiến nước này.

 Hệ thống đánh chặn MRIC. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hệ thống đánh chặn MRIC. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hợp đồng bao gồm việc mua sắm 44 bộ thiết bị thành phần chính, phục vụ dây chuyền sản xuất hàng loạt MRIC, đồng thời dự phòng các bộ phận thay thế và nâng cấp những nguyên mẫu đã bàn giao trước đó.

MRIC là một hệ thống phòng không di động dưới dạng mô-đun. Hệ thống có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái (UAV), cũng như các mối đe dọa như đạn pháo, đạn cối và rocket.

MRIC được tích hợp các thiết bị công nghệ của Mỹ và Israel, gồm radar AN/TPS-80 G/ATOR, hệ thống chỉ huy điều hành CAC2S, và tên lửa đánh chặn Tamir do Công ty quốc phòng Rafael (Israel) và Tập đoàn Raytheon (Mỹ) cùng hợp tác, phát triển. Đạn tên lửa Tamir, vốn là thành phần chủ lực của hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel, đã được chứng minh hiệu quả qua nhiều lần đánh chặn thực tế.

* Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng 40 tiêm kích Eurofighter Typhoon

Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế IDEF 2025 tổ chức ở Istanbul, ngày 23-7-2025, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh đã ký thỏa thuận sơ bộ liên quan đến việc Ankara mua 40 tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ do Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yaşar Güler và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey chủ trì. Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên cam kết nhanh chóng hoàn tất các thỏa thuận cần thiết để chính thức hóa hợp đồng và đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của “câu lạc bộ Typhoon,” nhóm các quốc gia đang khai thác dòng máy bay chiến đấu này.

Hiện tại, hai bên đang tiếp tục đàm phán chi tiết về giá cả và cấu hình kỹ thuật. Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên phương án mua kết hợp giữa máy bay mới thuộc phiên bản Tranche 4 và các biến thể cũ đã qua nâng cấp nhằm rút ngắn thời gian giao hàng.

Eurofighter Typhoon Tranche 4 là phiên bản hiện đại nhất của dòng máy bay Eurofighter Typhoon. Máy bay được trang bị radar mảng pha chủ động ECRS Mk2, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, khả năng sống sót cao hơn, và tương thích với tên lửa không đối không tầm xa MBDA Meteor. Hệ thống điện tử nhiệm vụ của Tranche 4 được nâng cấp đáng kể, hỗ trợ hợp nhất dữ liệu cảm biến và tăng cường nhận thức tình huống trên không.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 279 máy bay chiến đấu, phần lớn là các phiên bản khác nhau của tiêm kích F-16 Fighting Falcon và một số ít F-4E Phantom. Tuy nhiên, nhiều máy bay đã cũ và cần được thay thế hoặc nâng cấp sâu. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 từ năm 2019 và việc tiếp nhận F-16 Block 70 từ Mỹ bị chậm trễ, thương vụ Eurofighter Typhoon được xem là giải pháp tạm thời duy trì ưu thế trên không và củng cố năng lực răn đe trong giai đoạn chờ tiêm kích tàng hình nội địa TF-Kaan dự kiến hoàn thiện vào năm 2028.

Việc đàm phán mua Eurofighter Typhoon cũng phù hợp với chiến lược của Ankara trong việc đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng và giảm phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí trang bị có nguồn gốc từ Mỹ. Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu trong những năm gần đây.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-26-7-nga-bien-che-tau-ngam-hat-nhan-mang-ten-lua-dan-dao-838680
Zalo