Quân sự thế giới hôm nay (16-7): Hàn Quốc phát triển tên lửa mô-đun tích hợp AI

Quân sự thế giới hôm nay (16-7) có những nội dung sau: Pháp ra mắt cối tự hành Griffon MEPAC 120mm; Tây Ban Nha sẽ mua hơn 200 pháo tự hành; Hàn Quốc phát triển tên lửa mô-đun tích hợp AI.

* Pháp ra mắt cối tự hành Griffon MEPAC 120mm

Trong buổi diễn tập diễu binh mừng Quốc khánh Pháp tại Paris, Lục quân Pháp lần đầu giới thiệu Griffon MEPAC, hệ thống cối tự hành 120mm gắn trên khung gầm xe bọc thép Griffon 6x6. Đây là bước tiến lớn trong năng lực tác chiến của các đơn vị pháo binh Pháp. Theo đó, cối MO-120-RT cũ sẽ được thay thế bằng một nền tảng cơ động, bảo vệ tốt hơn và tích hợp sâu trong hệ sinh thái chiến trường kỹ thuật số SCORPION.

Griffon MEPAC là cối tự hành mới của Pháp, tích hợp hệ thống cối rãnh xoắn 120mm vào xe bọc thép Griffon 6x6. Ảnh: Army Recognition Group

Griffon MEPAC là cối tự hành mới của Pháp, tích hợp hệ thống cối rãnh xoắn 120mm vào xe bọc thép Griffon 6x6. Ảnh: Army Recognition Group

Griffon MEPAC vẫn giữ nguyên hỏa lực của cối rãnh xoắn MO-120-RT 120mm nhưng được tích hợp vào thân xe bọc thép, giúp tăng đáng kể khả năng cơ động, phản ứng nhanh và bảo vệ kíp chiến đấu. Điểm khác biệt quan trọng là khả năng “bắn và chạy” (shoot-and-scoot). Trước đây, cối kéo phải triển khai thủ công trên địa hình trống, dễ bị lộ và mất thời gian. Nay, MEPAC cho phép khai hỏa ngay trong xe, giảm tối đa thời gian triển khai và tăng khả năng sống sót trước hỏa lực phản pháo hay các mối đe dọa trên không như UAV của đối phương.

Về bảo vệ, MEPAC đạt tiêu chuẩn NATO STANAG cấp 4 chống đạn và mìn, vượt xa mức an toàn của hệ thống cối cũ. Xe còn tích hợp hệ thống nạp và ngắm tự động của Thales, giúp tăng tốc độ bắn (tối đa 10 phát/phút), giảm mệt mỏi cho kíp lái và nâng cao độ chính xác.

Đặc biệt, MEPAC kết nối trực tiếp với mạng chỉ huy số SICS của chương trình SCORPION, đồng bộ với UAV trinh sát, các xe chiến đấu Jaguar hay Griffon chở quân. Điều này rút ngắn chu trình “phát hiện - khai hỏa”, cho phép hỗ trợ hỏa lực nhanh và chính xác.

Cối 120mm trên MEPAC có tầm bắn hơn 13km, sử dụng được cả đạn thường lẫn đạn thông minh. Xe mang sẵn đạn, giảm phụ thuộc tiếp tế và cần ít người vận hành hơn nhờ tự động hóa.

Việc ra mắt Griffon MEPAC thể hiện quyết tâm của Pháp trong hiện đại hóa lục quân, thay thế hệ thống cũ bằng nền tảng cơ động, số hóa, bảo vệ cao, phù hợp chiến trường cường độ cao trong tương lai. Đây sẽ là nhân tố chủ lực trong học thuyết tác chiến hợp đồng binh chủng số hóa của quân đội Pháp.

* Tây Ban Nha sẽ mua hơn 200 pháo tự hành

The Defense Post đưa tin, Quân đội Tây Ban Nha có kế hoạch mua hơn 200 pháo tự hành để thay thế đội pháo M109 đã cũ.

Kế hoạch mua sắm sẽ bao gồm cả pháo bánh lốp và bánh xích cùng các phương tiện liên quan theo hai chương trình riêng biệt trị giá 3,51 tỷ USD.

Pháo tự hành M-109A5E của Lục quân Tây Ban Nha. Ảnh: Creative Commons

Pháo tự hành M-109A5E của Lục quân Tây Ban Nha. Ảnh: Creative Commons

Theo chương trình đầu tiên, tổng cộng 128 pháo bánh xích sẽ được trang bị cho cả lục quân và lực lượng thủy quân lục chiến Tây Ban Nha. Pháo sẽ có nòng cỡ từ 47 đến 52mm và tầm bắn hơn 40km.

Theo chương trình thứ hai, tổng cộng 86 khẩu pháo bánh lốp, cấu hình 8×8 hoặc 10×10, sẽ được trang bị cho lục quân.

Hiện lục quân Tây Ban Nha vận hành 96 pháo tự hành M-109A5E, 158 xe chở đạn bánh xích M-548 và 18 xe M-548 bánh lốp. Trong khi đó, lực lượng thủy quân lục chiến vận hành 6 xe bọc thép M-109A5E và 6 xe chở đạn bánh xích M-992 FAASV.

* Hàn Quốc phát triển tên lửa mô-đun tích hợp AI

Công ty LIG Nex1 (Hàn Quốc) vừa chính thức giới thiệu 2 mẫu tên lửa mô-đun tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mới phát triển bằng nguồn vốn tư nhân. Động thái này cho thấy nỗ lực của Hàn Quốc nhằm củng cố vị thế trên thị trường vũ khí toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và địa chính trị ngày càng gay gắt, đặc biệt là việc gia tăng tích hợp AI vào hệ thống vũ khí.

Hai mẫu tên lửa nặng 113,4kg và 453,6kg được phát triển dựa trên những bài học từ các xung đột gần đây như xung đột Nga - Ukraine hay Israel - Hamas, nơi vũ khí thông minh và thiết bị bay không người lái (UAV) do AI dẫn đường đã chứng minh hiệu quả chiến lược và chiến thuật. Để cạnh tranh với các hãng lớn như MBDA hay Rafael, LIG Nex1 tập trung vào tính mô-đun, khả năng tích hợp AI và cải tiến quy trình sản xuất.

Hai tên lửa mới của Hàn Quốc tích hợp AI. Ảnh: LIG Nex1

Hai tên lửa mới của Hàn Quốc tích hợp AI. Ảnh: LIG Nex1

Tên lửa nặng 113,4kg có khả năng bay tự động, tàng hình và được thiết kế để kết hợp nhiều mô-đun có thể hoán đổi cho nhau như cảm biến hồng ngoại, mồi bẫy, đầu đạn, thiết bị tác chiến điện tử và thiết bị liên lạc, có thể tấn công theo hình thức “bầy đàn”, đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương và tấn công chính xác mục tiêu trên biển hoặc đất liền. Tên lửa nặng 453,6kg có kích cỡ và cân nặng tương đương tên lửa NSM của Kongsberg, có thể hoán đổi mô-đun để chống hạm hoặc tấn công mặt đất, kết hợp dẫn đường hồng ngoại, bay bám địa hình và nhận diện mục tiêu tự động bằng AI.

Việc ra mắt 2 mẫu tên lửa này diễn ra trong bối cảnh AI trở thành vũ khí chiến lược quan trọng. Mỹ và Anh đã coi AI là tài sản quốc gia, điều chỉnh luật để tăng cường an ninh mạng và năng lực tác chiến nhận thức. Ngược lại, Hàn Quốc vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng cho việc sử dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng.

Việc ra mắt 2 tên lửa mới của LIG Nex1 được xem là bước đi quan trọng để Hàn Quốc thu hẹp khoảng cách, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn với Mỹ và Anh, nâng cao năng lực phòng thủ và duy trì vị thế chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-16-7-han-quoc-phat-trien-ten-lua-mo-dun-tich-hop-ai-837109
Zalo