Quan sát thêm diễn biến lạm phát và tỷ giá

Lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng.

Lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất cho vay đang hợp lý

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Thế Mạnh, Phó giám đốc Artex Đồng Tháp - doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nằm trong Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Mỹ Hiệp, Đồng Tháp - cho biết, doanh số của Công ty ổn định trên 6,5 triệu USD/năm.

Lực lượng công nhân làm việc trực tiếp dao động trong khoảng 120 - 280 người, bên cạnh đó là thợ đan làm việc ở nhà tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1.000 - 3.000 người với thu nhập trung bình khoảng 4,5 - 8 triệu đồng.

Sau giai đoạn đầu thành lập tại TP.HCM với xưởng đầu tiên đặt tại Bình Dương, Công ty đã mở rộng hoạt động tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Tháp được lựa chọn là nơi đặt xưởng sản xuất.

“Công ty phát triển dần lên, nhà xưởng được xây dựng, mở rộng nên cần vay vốn nhiều hơn và hiện Artex Đồng Tháp vay tại Agribank với hạn mức 32 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn là 6%/năm, còn lãi suất trung và dài hạn là 9%/năm. Dù vẫn có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng nhưng Công ty chọn Agribank bởi lãi suất cạnh tranh hơn nhiều ngân hàng khác và các thủ tục được hỗ trợ triển khai đơn giản”, ông Mạnh nói.

Vị lãnh đạo Artex Đồng Tháp tiết lộ, thời điểm đại dịch Covid, xưởng sản xuất tại Bình Dương không sản xuất được nhưng mở rộng tổ đan ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chuyển xưởng sản xuất về Đồng Tháp vận hành bình thường.

Do đó, giai đoạn Covid, doanh thu của Công ty vẫn ổn định với các khách hàng tại EU, châu Á, châu Mỹ, đặc biệt thời gian tới hướng đến IKEA - một khách hàng tiềm năng nếu đạt được các tiêu chí theo yêu cầu sẽ đạt được doanh thu cao hơn nữa.

“Do đó, trong chiến lược phát triển 3 - 5 năm tới dự kiến sẽ thuê thêm đất để mở rộng kinh doanh nên phải vay vốn, nhưng bên cạnh tiêu chí chất lượng dịch vụ của ngân hàng, yếu tố quan trọng nhất là lãi suất trung, dài hạn có đủ hấp dẫn để nhà đầu tư quyết định chiến lược sẽ đi vào hiện thực”, ông Mạnh nói

Còn ông Phạm Ngọc Thảo, sinh năm 1973, chủ khu du lịch miệt vườn ở Bến Tre cho biết, vườn của ông chủ yếu là chôm chôm đan xen chuối, sầu riêng. Riêng chôm chôm không bán lẻ bởi sản lượng vườn không đủ dành cho khách du lịch.

Những ngày cuối tuần, một ngày miệt vườn của ông đón khoảng 500 người, kèm theo đó là 50 nhân công phục vụ. Để có miệt vườn như hiện tại, ông Thảo cho biết năm 2007 gia đình khởi đầu vay 300 triệu tiền vốn tại Agribank.

Hiện nay, vay vốn lưu động đã giảm do trồng trọt và tiêu thụ tốt nên đã có những khoản dư ra. Nhưng cùng với khoản dư, ông đã mua thêm đất, mở rộng trồng trọt nhiều hơn so với trước đây nên khoản vay giờ là dài hạn đã lên khoảng 7 tỷ đồng.

“Thời gian Covid-19 thì khá điêu đứng nhưng lượng khách đang tăng lên, do đó việc mua đất mở rộng trồng trọt đang được tính toán tiếp nếu lãi suất vay hợp lý”, ông Thảo nói.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank nhận định: “Thời điểm này, lãi suất dài hạn đang ở đáy, quyết định đầu tư sẽ là phù hợp”.

Nhiều khả năng phải tăng lãi suất điều hành

Quan sát diễn biến trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã tăng 10-30 điểm phần trăm so với vùng đáy ở các kỳ hạn từ 1-12 tháng. Điều này có thể đến từ việc thiếu thanh khoản tạm thời trên thị trường liên ngân hàng phần nào tác động đến lãi suất huy động ở thị trường 1.

Cụ thể, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động như một điểm neo về mặt chính sách, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhóm 1 đã nhích dần với mức tăng trung bình từ 15 - 33 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài. Xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung ổn định tỷ giá thông qua các công cụ OMO, phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối và vẫn giữ chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

KB Việt Nam nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vay vốn tăng lên, từ đó tăng nhu cầu huy động.

“Với mức tăng kỳ vọng như trên, chúng tôi cho rằng, đây là nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn (hiện tại lãi suất huy động vẫn thấp hơn vùng đáy Covid) nhưng chưa xác lập xu hướng tăng lãi suất mạnh trở lại như giai đoạn 2022-2023, trừ khi tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) vượt đỉnh”, ông Bình nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay trong thời gian tới khó có thể giảm thêm để hạn chế mức giảm của lợi suất trên tài sản sinh lời (IEA), thậm chí cải thiện nhẹ bởi: thứ nhất, lãi suất cho vay hiện tại tương đối thấp so với mức đỉnh năm 2023; thứ hai, ngân hàng yêu cầu mức lãi suất cho vay hợp lý để cân đối với rủi ro của khách hàng; thứ ba, tín dụng hệ thống đã có tín hiệu tốt hơn trong tháng 4 và tháng 5; thứ tư, kỳ vọng cho vay bán lẻ tốt hơn trong 2 quý đầu năm 2024.

Ông Bình nhận định: “Với kịch bản dự phóng lãi suất huy động có thể tăng thêm 30 - 50 điểm phần trăm có thể tác động đến chi phí vốn (CoF), nhưng dự kiến CoF của năm 2024 vẫn sẽ duy trì ở mức nền thấp”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích của VDSC, “lãi suất huy động trên thị trường 1 có thể tăng nhưng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023 và như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay”.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Mặc dù tăng trưởng trong quý II có khả năng chậm lại nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi rất khả quan. Nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”.

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý IV trong bối cảnh nguy cơ lạm phát gia tăng. Đồng thời, yếu tố tỷ giá có thể sẽ thúc đẩy cơ quan điều hành tăng lãi suất trong quý cuối năm hoặc sớm hơn. Các động thái từ Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 5-6 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhưng mức độ bán không quá quyết liệt so với năm 2022.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước có vẻ như đang lựa chọn việc tỷ giá linh hoạt theo thị trường và chờ đợi chỉ số DXY giảm khi Fed hạ lãi suất, đẩy lãi suất thị trường 2 để hạn chế hoạt động carrytrade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ).

“Tuần qua, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, đẩy tín dụng để đạt mục tiêu 6 tháng tăng 6%. Do vậy, nhiều khả năng cơ quan quản lý sẽ không tăng lãi suất điều hành trong tương lai gần mà chờ đợi thêm diễn biến lạm phát.

Nếu lạm phát tháng 7 - 8 tăng đến gần 5% (bởi năm ngoái nền giá dầu thời điểm này khá thấp), kết hợp với tỷ giá vẫn ở vùng cao, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành”, bà Hiền nói.

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Điều IV của IMF đối với Việt Nam vừa đưa ra nhận định: “Lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng”.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quan-sat-them-dien-bien-lam-phat-va-ty-gia-post348440.html
Zalo