Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Toàn tỉnh hiện có 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cơ đốc giáo, với 37.485 tín đồ. Có 5 tổ chức tôn giáo được chấp thuận thành lập và 40 điểm nhóm đạo được cấp phép sinh hoạt tập trung. Chú trọng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để đồng bào tôn giáo thực hành tín ngưỡng theo pháp luật, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Hội nghị gặp mặt chức sắc, chức việc đại diện các tổ chức tôn giáo.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: Hằng năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã; kiểm tra hoạt động điểm nhóm đạo; phối hợp với các ngành thăm hỏi, động viên tổ chức, chức sắc tôn giáo dịp lễ trọng, như Lễ Phật Đản, Lễ Phục sinh. Đồng thời, chú trọng phối hợp giải quyết các vấn đề tôn giáo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc theo đạo.

Các tăng ni, phật tử tham gia Đại lễ Phật Đản 2025.
Hằng năm, các cấp, ngành tổ chức hội nghị, đối thoại với chức sắc, tín đồ để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo; các kiến nghị chính đáng đều được chính quyền quan tâm, giải quyết theo quy định. Đến nay, tỉnh đã thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn thể hiện đức tin đúng đắn, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia hoạt động từ thiện, giảm nghèo và các phong trào thi đua do chính quyền phát động; quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo ngày càng gắn bó, cởi mở.

Đại diện Giáo xứ Sơn La chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân dịp Đại lễ Phật Đản 2025.
Đại đức Thích Khai Bảo, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cho biết: Ban Trị sự được thành lập từ năm 2013; đến nay, toàn tỉnh có 17 đạo tràng, với 1.917 phật tử. Hằng năm, các hoạt động phật sự được triển khai đúng kế hoạch, Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc duy trì sinh hoạt, thu hút đông đảo tăng ni, phật tử. Công tác từ thiện, an sinh xã hội được phối hợp hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; an ninh trật tự trong các dịp lễ luôn được đảm bảo.
Đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, số tín đồ ngày càng tăng, các điểm sinh hoạt được mở rộng và đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 53 điểm sinh hoạt, với gần 1.930 hộ, 9.365 tín đồ; 3 giáo xứ đã được chấp thuận thành lập, gồm giáo xứ Sơn La, giáo xứ Mộc Châu, giáo xứ Mường La. Hoạt động tôn giáo diễn ra thuần túy, các cơ sở đều có nhà thờ và linh mục phụ trách.

Buổi giảng lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Sơn La.
Linh mục Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: Tháng 3/2025, Giáo xứ Sơn La chính thức được thành lập, với 1.152 giáo dân thuộc 9 giáo họ, là kết quả từ nhiều năm nỗ lực của Tòa Giám mục Hưng Hóa, các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Việc được chính quyền tỉnh Sơn La chấp thuận không chỉ khẳng định sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, mà còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đạo và đời, giữa tôn giáo và chính quyền.
Việc thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã giúp các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; mối quan hệ giữa chính quyền và giáo hội ngày càng gắn bó. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.